Trường hợp bảo trì công trình giao thông phải được cơ quan Nhà nước thẩm quyền kiểm tra nghiệm thu thì đối với hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giữa Bộ Giao thông vận tải với đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ công, việc kiểm tra công tác nghiệm thu sẽ do Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (cơ quan chuyên môn xây dựng thuộc Bộ Giao thông vận tải) hoặc Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho Cục chuyên ngành thực hiện kiểm tra nghiệm thu trên cơ sở hồ sơ hoàn thành bảo trì hằng quý do đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thực hiện và nộp về Bộ Giao thông vận tải. Việc kiểm tra nghiệm thu bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện 6 tháng đầu năm, hằng qúy được hiểu là nghiệm thu từng phần (hoặc giai đoạn) và nghiệm thu hoàn thành công tác bảo dưỡng.
Ông Trí hỏi, khi đó các Cục nêu trên sẽ vừa thực hiện kiểm tra nghiệm thu sản phẩm bảo dưỡng công trình do đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và đồng thời ký nghiệm thu vào biên bản nghiệm thu (vai trò bên đặt hàng theo hợp đồng đặt hàng) có đúng không? Trường hợp công trình không phải kiểm tra nghiệm thu của cấp thẩm quyền theo quy định thì được hiểu là bên đặt hàng tổ chức nghiệm thu sản phẩm bảo dưỡng do bên nhận đặt hàng đề nghị nghiệm thu?
Về chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm của Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình, căn cứ Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; Điều 3 Thông tư số 14/2021/TT-BXD; Điều 22 Thông tư số 03/2021/TT-BGTVT; Điều 4 Thông tư số 11/2021/TT-BGTVT thì chi phí quản lý bảo trì chỉ dành cho sửa chữa công trình có chi phí trên-dưới 500 triệu đồng và không có chi phí quản lý bảo dưỡng thường xuyên công trình đường sắt?
Trường hợp hợp đồng đặt hàng có nội dung: “Tổ chức quản lý và chi phí khác trong công tác quản lý bảo dưỡng công trình đường sắt (tạm tính)”, nhưng quy định pháp luật không có thì xử lý tình huống nêu trên như thế nào?
Bộ Giao thông vận tải trả lời vấn đề này như sau:
Về kiểm tra công tác nghiệm thu: Công trình xây dựng (bao gồm bảo trì công trình) phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ, cụ thể:
"1. Công trình xây dựng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 45 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.
a) Công trình xây dựng thuộc dự án quan trọng quốc gia; công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo quy định tại Phụ lục VIII Nghị định này;
b) Công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công;
c) Công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng ngoài các công trình đã nêu tại Điểm a, Điểm b Khoản này".
Căn cứ quy định nêu trên, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Nghiệm thu sản phẩm theo nội dung hợp đồng đặt hàng
Đối với công tác nghiệm thu sản phẩm bảo dưỡng công trình đường sắt quốc gia năm 2021: Việc nghiệm thu sản phẩm của hợp đồng đặt hàng được thực hiện quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ và nội dung hợp đồng đặt hàng được ký kết giữa bên đặt hàng và đơn vị nhận hợp đồng đặt hàng.
Cụ thể, theo hợp đồng đặt hàng giữa Cục Đường sắt Việt Nam (bên đặt hàng) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (bên nhận đặt hàng) thống nhất: “Bên nhận đặt hàng nghiệm thu, xác nhận hoàn thành với các đơn vị trực tiếp thực hiện bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trước khi bên đặt hàng nghiệm thu sản phẩm theo mẫu quy định trong hợp đồng. Đối với công tác sửa chữa, bên nhận đặt hàng tổ chức nghiệm thu công trình, hạng mục công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng, bên đặt hàng nghiệm thu, thanh lý hợp đồng theo quy định”.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, một trong những điều kiện cần để thanh toán khối lượng bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, bao gồm biên bản nghiệm thu sản phẩm theo quy định của cấp có thẩm quyền; mẫu biên bản nghiệm thu nêu trên đã được Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất tại nội dung hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 làm cơ sở để thanh toán và thanh lý hợp đồng đặt hàng.
Cách xác định chi phí sửa chữa, bảo dưỡng đường sắt
Về chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình:
- Đối với chi phí quản lý, giám sát xây dựng các công trình sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021, xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và hướng dẫn của Bộ Xây dựng về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ).
- Đối với chi phí tổ chức quản lý và chi phí khác trong công tác quản lý bảo dưỡng công trình đường sắt:
Việc tổ chức thực hiện công tác quản lý, giám sát bảo dưỡng công trình đường sắt được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 và Điểm 3 Mục I Biểu 02 Phụ lục I Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ. Tại Khoản 4 Điều 14 của Nghị định này đã quy định: Ngoài các nội dung đặt hàng quy định, các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương có thể bổ sung một số nội dung khác về đặt hàng để phù hợp với yêu cầu quản lý đối với từng lĩnh vực cụ thể hoặc theo nội dung đặt hàng theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).
Chi phí quản lý, giám sát công tác bảo dưỡng công trình đường sắt năm 2021 được xác định theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGTVT-BTC ngày 10/5/2016 (từ ngày 1/1/2021 đến thời điểm ngày 10/7/2021); Khoản 2 Điều 4 và Phụ lục số III Thông tư số 11/2021/TT-BGTVT ngày 21/5/2021 (từ sau ngày 10/7/2021).