Ông Huân hỏi, đối với lao động trực tiếp là công nhân thường xuyên làm việc tại công trình như (vận hành máy khoan và đào hào địa chất) thì tiền lương có bắt buộc bảo đảm không quá 1 lần quỹ tiền lương theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP không?
Trong trường hợp đơn vị có hoạt động dịch vụ ký hợp đồng với doanh nghiệp để thăm dò khoáng sản thì tiền lương trả thế nào? Đơn vị có được giao khoán tiền lương hay không?
Đối với viên chức quản lý và kỹ thuật, khi đơn vị ông làm dịch vụ với các doanh nghiệp thì tiền lương trả cho bộ phận quản lý đơn vị có được theo quy định của doanh nghiệp không?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác quy định về tự chủ tài chính đối với 4 nhóm đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác như sau:
“Điều 12. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư
1. Nguồn tài chính của đơn vị
a) Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;
b) Nguồn ngân sách Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, theo giá tính đủ chi phí (gồm: Chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định);
c) Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định của pháp luật phí và lệ phí;
d) Nguồn thu từ hoạt động khác (nếu có), gồm:
- Tiền lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết;
- Lãi tiền gửi ngân hàng;
- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật;…
2. Sử dụng nguồn tài chính
… b) Chi thường xuyên: Đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c (phần được để lại chi thường xuyên để trang trải chi phí hoạt động thu phí) và Điểm d Khoản 1 Điều này, để chi thường xuyên. Một số nội dung chi được quy định như sau:
- Chi tiền lương: Đơn vị chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công…”.
“Điều 13. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên
1. Nguồn tài chính của đơn vị
a) Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;
b) Nguồn ngân sách Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (gồm: Chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý);
c) Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định của pháp luật phí và lệ phí;
d) Nguồn thu từ hoạt động khác (nếu có), gồm:
- Tiền lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết;
- Lãi tiền gửi ngân hàng;
- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật; ...
2. Sử dụng nguồn tài chính
a) Chi thường xuyên: Đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c (phần được để lại chi thường xuyên để trang trải chi phí hoạt động thu phí) và Điểm d Khoản 1 Điều này, để chi thường xuyên theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Nghị định này...”.
“Điều 14. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí)
1. Nguồn tài chính của đơn vị
a) Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;
b) Nguồn ngân sách Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí; ngân sách hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá dịch vụ sự nghiệp công;
c) Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định của pháp luật phí và lệ phí;
d) Nguồn thu từ hoạt động khác (nếu có), gồm:
- Tiền lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết;
- Lãi tiền gửi ngân hàng;
- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật;…
2. Sử dụng nguồn tài chính của đơn vị
a) Chi thường xuyên: Đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c (phần được để lại chi thường xuyên để trang trải chi phí hoạt động thu phí) và Điểm d Khoản 1 Điều này để chi thường xuyên. Một số nội dung chi được quy định như sau:
- Chi tiền lương: Đơn vị chi tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công…”.
“Điều 15. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp)
1. Nguồn tài chính của đơn vị
a) Ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên trên cơ sở số lượng người làm việc và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có);
c) Nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị định này và kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản cho đơn vị theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);
d) Nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật;
đ) Nguồn khác (nếu có).
... 2. Nội dung chi của đơn vị
a) Chi thường xuyên: Đơn vị được sử dụng nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này để chi thường xuyên. Một số nội dung chi được quy định như sau:
- Chi tiền lương: Đơn vị chi tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công”.
Căn cứ các quy định trên, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chi tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định trong chi phí (một lần lương).
Được chi bổ sung thu nhập ngoài lương
Ngoài ra, căn cứ Khoản 3 Điều 12, Khoản 3 Điều 13, Khoản 3 Điều 14 và Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 141/2016/NĐ- CP, hàng năm sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:
- Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;
- Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập (để chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau);
- Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi;
- Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật;
- Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được tự quyết định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập (không khống chế mức trích); đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định.
Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được trích lập không quá 1 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định cho Quỹ bổ sung thu nhập.
Căn cứ quy định trên, ngoài 1 lần lương chi trong chi phí chi thường xuyên, nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thì đơn vị còn có thể chi bổ sung thu nhập từ Quỹ bổ sung thu nhập: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư không khống chế mức chi; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên được chi tối đa 3 lần; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được chi tối đa 2 lần và đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chi tối đa 1 lần.