In bài viết

Đơn vị tự chủ chi thường xuyên được chi phúc lợi thế nào?

(Chinhphu.vn) - Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Quảng Ninh) công tác tại Ban quản lý dự án khu vực. Đơn vị của bà tự chủ 100% chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, có nguồn thu từ hoạt động tư vấn giám sát và lựa chọn nhà thầu cho các dự án không được giao quản lý (theo hợp đồng), nộp thuế GTGT và TNDN theo phương pháp trực tiếp.

24/03/2022 10:02

Bà Nhàn hỏi, đơn vị có được sử dụng nguồn thu này cho các khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động hay không (cụ thể, đối với chi phí thuốc men phòng dịch bệnh COVID-19)?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Trường hợp đơn vị của bà Nhàn thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm 100% chi thường xuyên thực hiện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì việc chi phúc lợi cho người lao động được thực hiện theo các quy định như sau:

"Điều 11. Nguồn tài chính của đơn vị

1. Nguồn ngân sách nhà nước

… 2. Nguồn thu hoạt động sự nghiệp

a) Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

b) Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

c) Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

… 5. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 12. Chi thường xuyên giao tự chủ

1. Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương.

2. Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý.

4. Chi thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi thực hiện các hoạt động dịch vụ.

5. Trích lập các khoản dự phòng theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có).

6. Chi trả lãi tiền vay theo quy định của pháp luật (nếu có).

7. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 14. Phân phối kết quả tài chính trong năm:

1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo thứ tự như sau:

… c) Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi: Tổng hai quỹ tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

2. Sử dụng các quỹ

d) Quỹ phúc lợi: Để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi của đơn vị; góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động, kể cả trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức, hoàn cảnh khó khăn; chi thêm cho người lao động thực hiện tinh giản biên chế; chi hỗ trợ hoạt động xã hội, từ thiện".

Bộ Tài chính thông tin để bà Nhàn biết và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chinhphu.vn