In bài viết

Đồng bào Phật giáo Gia Lai sống “Tốt đời- Đẹp đạo”

Tỉnh Gia Lai hiện có 75 chùa, tịnh thất, tịnh xá và niệm Phật đường (trong đó có 40 chùa và tịnh xá được tái thiết, trùng tu và xây dựng mới), gần 334 vị chức sắc, tăng-ni và khoảng hơn 100.000 phật tử.

17/05/2011 11:49

Các chùa, tịnh thất, tịnh xá trên địa bàn tỉnh đã giúp cho phật tử tại địa phương xây dựng môi trường khu dân cư văn hóa, đem những giá trị đạo đức và văn hóa của Phật giáo áp dụng vào đời sống gia đình, giáo dục thanh- thiếu niên rèn luyện về đạo đức, từng bước hướng đến cái thiện và làm việc thiện theo tinh thần từ bi của đạo Phật...

Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và Hiến chương của Giáo hội, đồng bào Phật giáo toàn tỉnh đã thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bà con phật tử ngày càng nhận thức rõ hơn lợi ích của quốc gia dân tộc luôn gắn bó thiết thực với lợi ích của tôn giáo và từng gia đình phật tử. Tăng ni và đồng bào phật tử đã tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Các hộ đã gương mẫu trong việc giáo dục con cái trưởng thành, tích cực trong phong trào khuyến học, xây dựng gia đình hạnh phúc và khu dân cư không có tệ nạn xã hội, thực hiện hương ước, quy ước tại thôn, làng, tổ dân phố, xây dựng quan hệ đoàn kết dân tộc và tôn giáo…

Tiêu biểu như tịnh xá Ngọc Trung (thị xã An Khê), chùa Bửu Sơn và chùa Vĩnh Nghiêm (TP. Pleiku), chùa Mỹ Thạch (huyện Chư Sê)… Riêng chùa Bửu Tịnh (thị xã Ayun Pa) và chùa Linh Quang (huyện Chư Sê) trong 10 năm gần đây đã giúp đỡ cho hơn 200 hộ với gần 1.500 phật tử là đồng bào Jrai tại chỗ tham gia sinh hoạt tôn giáo tại chùa.

Mặt khác, đồng bào Phật giáo đã học tập tiếp thu những cách làm ăn mới, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế, góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo như phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng mô hình kinh tế trang trại, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ... Tại các địa phương đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến về sản xuất giỏi và sống “Tốt đời-Đẹp đạo” tích cực trong thực hiện định canh định cư, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đỡ nhiều hộ nghèo cùng ổn định cuộc sống, gương mẫu tại cộng đồng dân cư... Với sự nỗ lực và quyết tâm của toàn thể tăng ni và phật tử, nên tất cả các chùa, tịnh thất, tịnh xá trên địa bàn tỉnh đều được địa phương khen thưởng qua phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và hàng ngàn hộ gia đình phật tử đã đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Hoạt động từ thiện xã hội luôn được bà con phật tử và các chùa trong tỉnh quan tâm với nhiều hình thức thiết thực. Trong 6 năm gần đây, tăng ni và phật tử tỉnh nhà đã góp kinh phí hơn 4 tỷ đồng, gần 200 tấn gạo, cùng các loại thực phẩm, chăn màn và áo quần để cùng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tổ chức giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; đồng thời quan tâm chia sẻ cả vật chất và tinh thần cho những đối tượng tàn tật bất hạnh, bị thiên tai, người không nơi nương tựa, các gia đình khó khăn và neo đơn trong xã hội. Ngoài ra, tăng ni và phật tử còn tổ chức hàng chục đợt thăm và tặng quà cho các đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh, bệnh nhân ở các bệnh viện trong và ngoài tỉnh...

Bên cạnh đó, tiêu biểu về hoạt động nuôi dạy trẻ mồ côi và có hoàn cảnh đặc biệt là chùa Bửu Châu (ở khu vực tổ 2-phường Thống Nhất-TP. Pleiku), do sư cô Thích Nữ Minh Nguyên trụ trì. Với tinh thần “Phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật”, từ năm 2000 đến nay, chùa Bửu Châu đã trực tiếp giúp đỡ nuôi dưỡng hơn 50 trẻ em tàn tật, mồ côi, cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Ngoài các cháu đã trưởng thành, hiện nay còn lại hơn 30 cháu đang được chùa nuôi dưỡng-trong đó có 5 cháu nhỏ nhất (từ 3 tháng đến hơn 1 tuổi), còn phần lớn các cháu đang được chùa nuôi ăn học ở lứa tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học. Đặc biệt trong số các cháu đã trưởng thành, có 1 cháu được chùa cưu mang đến tốt nghiệp đại học, hiện nay đã ra trường và đi làm việc tại TP. Pleiku…

Có thể khẳng định, bằng những việc làm thiết thực, đồng bào Phật giáo tỉnh Gia Lai đã phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước của Phật giáo Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ chung tay vì cuộc sống cộng đồng, gắn với phụng sự đạo pháp và xây dựng Giáo hội vững mạnh theo đường hướng của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra là “Đạo pháp-Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”.

Lương Thanh – Báo Gia Lai