In bài viết

Đóng BHXH đối với trường hợp điều động, biệt phái

(Chinhphu.vn) - Ông Trần Quốc Hớn (tranquochon76@...) thắc mắc việc ông và một số cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Bình thực hiện chủ trương của UBND tỉnh cử tham gia nghĩa vụ quân sự, điều động vào lực lượng Bộ đội Biên phòng, dạy xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc trong 2 năm nhưng không được đóng BHXH thì có đúng quy định không?

25/10/2013 17:02

 

Ảnh minh họa

Về vấn đề này, ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu - Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Trường hợp điều động cán bộ, công chức, viên chức

Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP; Điều 35 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP thì:

- Cán bộ, công chức nếu được điều động về làm việc tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, lực lượng vũ trang thì được cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức quyết định bổ nhiệm, xếp vào ngạch công chức phù hợp với vị trí công tác; nếu được điều động về làm việc tại đơn vị sự nghiệp thì được bổ nghiệm vào ngạch viên chức phù hợp vị trí công tác.

- Viên chức nếu được điều động về làm việc tại đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì được đơn vị nơi tiếp nhận ký lại hợp đồng làm việc.

Như vậy, ông Hớn được điều động sang làm việc tại đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình thì đơn vị tiếp nhận ông có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc đối với ông.

Trường hợp biệt phái công chức, viên chức

Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP, Điều 40 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP thì:

- Công chức được cử biệt phái đến làm việc có thời hạn ở một cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có thời hạn mỗi lần biệt phái không quá 3 năm. Cơ quan cử công chức biệt phái có trách nhiệm trả lương và đảm bảo các quyền lợi khác của công chức biệt phái.

Trường hợp này, đơn vị cử ông Hớn biệt phái có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc đối với ông.

- Viên chức được cử biệt phái đến làm việc có thời hạn ở một cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có thời hạn mỗi lần biệt phái không quá 3 năm; đơn vị nhận viên chức biệt phái có trách nhiệm trả lương và đảm bảo các quyền lợi khác của viên chức đến biệt phái.

Trường hợp này, đơn vị nơi tiếp nhận ông Hớn có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc đối với ông.

Trường hợp trong thời gian làm việc tại đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình nhưng ông Hớn không được hưởng tiền lương mà chỉ được hưởng sinh hoạt phí thì ngân sách nhà nước có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc đối với ông theo quy định tại Thông tư liên tịch số 1699/2001/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 19/6/2001 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 04/2001/NĐ-CP ngày 16/1/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc chuyển sang công chức quốc phòng.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân