Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), vào khoảng 19h52'41'' ngày 3/2, một trận động đất có độ lớn M = 2,6 độ xảy ra tại vị trí có tọa độ 20,860 độ vĩ Bắc - 105, 582 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km. Động đất xảy ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Cùng ngày, vào khoảng 12h46'53'', một trận động đất có độ lớn 2,6 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.863 độ vĩ Bắc, 108.157 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, động đất ở Hà Nội khác với loại động đất kích thích xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Động đất kích thích xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy sâu trong lòng đất. Còn động đất ở Hà Nội được nhận định là động đất tự nhiên phát sinh trên hệ thống đứt gãy sông Hồng.
TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết dù không nằm trong vành đai động đất Thái Bình Dương như Nhật Bản, Philippines nhưng trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều khu vực có đứt gãy hoạt động mạnh. Đáng quan tâm nhất là Tây Bắc, nơi đây có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.
Hà Nội và các khu vực lân cận nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng, là đới đứt gãy đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao.
Trận động đất xảy ra tối nay (3/2) tại Chương Mỹ là trận động đất nhỏ, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Tuy nhiên, một số người dân sinh sống tại huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức (TP. Hà Nội) có thể cảm nhận thấy sự rung lắc. Lần gần nhất tại Hà Nội, vào ngày 25/3/2024, một trận động đất có độ lớn 4,0 đã xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức.
Theo thống kê 100 năm qua, trong phạm vi bán kính 50km từ khu vực chấn tâm này đã ghi nhận 43 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5,3. Trong đó, trận động đất có độ lớn M = 5,3 ghi nhận vào năm 1958 tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho rằng, tới đây cần tiếp tục quan trắc cũng như có các nghiên cứu sâu hơn và cập nhật hơn về phân vùng rủi ro động đất cho các địa phương, nhằm cập nhật và bổ sung bản đồ kháng chấn trên cả nước. Từ đó, có khuyến cáo mới nhất cho các địa phương trong vấn đề xây dựng công trình.
Cũng liên quan đến tình hình động đất, theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, riêng trong tháng 1/2025, cả nước ghi nhận khoảng 30 trận động đất kích thích có độ lớn từ 2,5 đến 4,2 độ, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong (Kon Tum) và huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Đáng chú ý, ngày 27/1 xảy ra liên tiếp 8 trận động đất, ngày 9/1 có 6 trận, với trận mạnh nhất là 4,2 độ.
Hoàng Giang