Cụ thể, đồng Euro được giao dịch với giá 1,2522 USD/Euro và 98,08 Yên/Euro, so với mức 1,2494 USD/Euro và 97,89 Yên/Euro ở thời điểm cuối phiên 4/6 tại New York. Trong khi đó, tỷ giá USD/Yên đứng ở mức 78,34 Yên/USD.
Osamu Takashima, nhà chiến lược hàng đầu về ngoại hối tại Citibank ở Nhật Bản, nhận định các thị trường cũng đang chờ đợi những hành động can thiệp (bán đồng Yên) từ phía Chính phủ Nhật Bản.
Đồng Euro lên giá trong khi các nhà giao dịch đang nóng lòng chờ đợi phiên họp của nhóm G7 trong bối cảnh các mối lo ngại ngày một leo thang về nguy cơ hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha có thể sụp đổ nếu không được cứu viện khẩn cấp.
Trong phiên giao dịch ngày 5/6 tại Tokyo, đồng USD xuống giá so với hầu hết các đồng tiền châu Á, trong đó có Won (Hàn Quốc), Tệ (Đài Loan), Peso (Philíppines) và Đôla (Singapore). Tuy nhiên, đồng USD lại đứng giá so với đồng Baht của Thái Lan và lên giá so với đồng Rupiah của Indonesia.
Cũng trong phiên giao dịch chiều qua (5/6), giá dầu ngọt nhẹ New York (hợp đồng giao tháng 7) trên sàn giao dịch điện tử Singapore tăng tiếp 76 Cent lên 84,74 USD/thùng. Còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 50 Cent lên 99,35 USD/thùng.
Các thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt khởi sắc, do xu hướng bán tháo cổ phiếu của giới đầu tư đã phần nào lắng dịu.
Kết thúc phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 86,37 điểm, tương đương 1,04%, đóng cửa ở mức 8.382 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng ghi thêm 58,7 điểm (1,47%), lên 4.043,7 điểm; còn tại Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tiến 18,72 điểm (1,05%), lên 1.801,85 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hongkong cũng đua nhau tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt ghi thêm 3,37 điểm (0,15%) và 73,44 điểm (0,4%) lên 2.311,92 điểm và 18.259,03 điểm.
Mai Hằng