Vườn thanh long hình thành từ vốn vay của Agribank Bình Thuận. Ảnh: VGP/Thanh Thủy |
Chú trọng cho vay phát triển cây trồng mũi nhọn
Theo ông Trần Văn Hai, Giám đốc Agribank tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và cho trồng, chế biến cây thanh long nói riêng đã phát huy những hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Agribank chi nhánh tỉnh Bình Thuận luôn đáp ứng kịp thời vốn vay của khách hàng, đầu tư đúng mục đích, đạt hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện được đời sống của người dân theo hướng từng bước được chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chế biến hàng nông sản, chăn nuôi heo, gà công nghiệp, nuôi trồng thủy sản… qua đó nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, góp phần đáng kể tăng sản lượng hàng hóa trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Tuy nhiên, để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả thì việc xác định lĩnh vực, đối tượng cho vay cũng như tập trung vào những ngành nghề mũi nhọn, thế mạnh của địa phương có vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, trong những năm qua, Agribank Bình Thuận đã tập trung cho vay, tài trợ vốn vào phát triển sản xuất và chế biến cây thanh long, là cây trồng mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Thuận, tính đến cuối năm 2016, Bình Thuận là địa bàn có diện tích sản xuất thanh long lớn nhất so với cả nước đạt trên 26.500 ha, sản lượng thu hoạch trên 500.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 10.000 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGap; gần 1.500 ha thanh long đã được xác nhận mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hoa Kỳ, 262 ha thanh long được cấp chứng nhận GlobalGap... Phần lớn sản lượng thanh long Bình Thuận tập trung cho xuất khẩu (80-85%).
Thanh long hiện là cây làm giàu của hàng chục nghìn hộ nông dân ở Bình Thuận, góp phần mang lại niềm vui, sự ấm no, giàu có cho bà con nông dân. Do đó, nhu cầu về vốn cho cây trồng mũi nhọn này của tỉnh Bình Thuận đang được xem là yếu tố quan trọng tác động tới sự phát triển của nghề trồng thanh long.
Được nhắc đến nhiều nhất trong trong những gia đình mạnh dạn vay vốn để phát triển cây thanh long là ông Nguyễn Thuận ở thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Năm 2013, sau khi chuyển đổi gần 2.5 ha từ cây nông nghiệp ngắn ngày, ông quyết định trồng 3.000 trụ thanh long ruột trắng. Sau hơn một năm chăm sóc đã cho gia đình thu nhập trên 250 triệu đồng. Tiếp bước những thành công đó, năm 2016, ông Thuận mạnh dạn vay tiền từ Agribank huyện Hàm Thuận Nam để mua đất trồng thêm 5.000 trụ thanh long ruột trắng, 2.000 trụ thanh long ruột đỏ và năm 2016, gia đình thu hơn 300 tấn quả.
Ảnh: Thanh Thủy |
Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh Bình Thuận đã ký tài trợ tín dụng với 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Sữa Thông Thuận với dự án “Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa”, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung với dự án “Khu chọn tạo và sản xuất tôm giống công nghệ cao”, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, từ đó góp phần cùng chính quyền tỉnh Bình Thuận thực hiện nhất quán quan điểm xây dựng, phát triển tỉnh Bình Thuận theo hướng xanh, sạch, bền vững với cộng đồng, vì sức khỏe con người.
Cụ thể, ở dự án “Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa”, sẽ có nhà máy chế biến sữa có vốn đầu tư 850 tỷ đồng với quy mô mỗi năm sản xuất 100 triệu lít sữa tươi tiệt trùng, 90 triệu hũ sữa chua, 85 triệu sữa hộp; khu chăn nuôi bò do đơn vị tư vấn hàng đầu là Tập đoàn Delaval Thụy Điển thiết kế, chọn lọc giống, vận hành và chuyển giao cho công ty với hơn 2.000 con bò sữa HF nhập từ Mỹ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển dự án là cải tạo và phát triển giống bò có chất lượng thịt tốt nhất và năng suất cao nhất, dự án sẽ nuôi 6.000 con bò giống thịt sinh sản với các giống bò tiên tiến trên thế giới là bò Brahman, Droughtmaster, Angus. Đây là những giống bò cho tốc độ sinh trưởng nhanh, chất lượng thịt tốt nhất để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.000 tỷ đồng với thời gian thực hiện 5 năm từ 2017-2022, trong đó giai đoạn I đầu tư từ 2017-2019, gồm trang trại nuôi bò sữa 6.000 con và nhà máy chế biến sữa với tổng mức đầu tư là 1.500 tỷ đồng. Dự án khi đi vào hoạt động tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương.
Theo Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành, với dự án “Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa” của Công ty cổ phần Sữa Thông Thuận tại Xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận có quy mô hơn 8.000 ha với nhiều dự án như trồng cỏ và bắp, chăn nuôi bò sữa và bò thịt công nghệ cao; nhà máy chế biến sữa, nhà máy chế biến thịt bò... không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm tại địa phương, đóng góp vào ngân sách của tỉnh mà còn đồng hành cùng địa phương phát triển xanh, sạch, bền vững.
Thanh Thủy