In bài viết

Đồng loạt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, các Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trần Thị Trung Chiến đã đi kiểm tra việc phòng, chống dịch cúm gia cầm ở nhiều địa phương.

10/11/2005 06:36

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, từ 1-10 đến 7-11, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở chín xã, tám huyện thuộc sáu tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bạc Liêu và Đồng Tháp. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, các Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trần Thị Trung Chiến đã đi kiểm tra việc phòng, chống dịch cúm gia cầm ở nhiều địa phương.

Sáng 9-11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, kiểm tra việc phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người.

Phát biểu ý kiến với lãnh đạo UBND thành phố, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cần coi đây là công tác trọng tâm đột xuất, cần tạo chuyển biến mạnh hơn nữa trong công tác tuyên truyền đến tận hộ dân, làm cho từng người dân đều thấy tác hại của dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người để tự giác phòng, chống. TP Hồ Chí Minh là địa phương đông dân nhất nước, là một đầu mối giao thông lớn, trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ, du lịch lớn. Vì vậy bằng mọi cách phải ngăn chặn, xóa mầm bệnh cúm gia cầm lây sang người. Thành phố cần chủ động phối hợp đồng bộ với các tỉnh lân cận thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống. Chuẩn bị đối phó nếu xảy ra dịch cúm ở người, bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế, phương tiện cấp cứu cho các bệnh viện, trung tâm y tế từ cơ sở quận, huyện đến thành phố, sẵn sàng chữa trị cho nhân dân nếu xảy ra dịch cúm H5N1 ở người. Kiểm tra chặt chẽ, không để gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch đưa vào thành phố. Tăng cường quản lý kiểm tra mua bán sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch ở các chợ, siêu thị. Có kế hoạch cung cấp thực phẩm thay thế. Thành phố phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để ngăn chặn dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người vì sự phát triển bền vững của thành phố và cả nước.

* Cùng ngày 9-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đã về kiểm tra và chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm tại tỉnh Đồng Nai.

Đây là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất các tỉnh Nam Bộ với hơn 13,5 triệu con trước khi có dịch xảy ra, hiện chỉ còn 6,3 triệu con. 

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai cần tăng cường công tác tuyên truyền cho mọi người dân hiểu biết sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, giúp họ tự phòng, chống. Các cấp ủy đảng phải thường xuyên phối hợp các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể và đặc biệt là các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh, không sử dụng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc. Kiên quyết thu hồi gia cầm và các sản phẩm từ vật nuôi chưa qua kiểm dịch. Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai cần phối hợp thành phố Hồ Chí Minh nhằm học hỏi cách quản lý, đầu tư dây chuyền giết mổ công nghiệp mới có nhiều ưu điểm. Mặt khác, xem xét và tìm nguồn thực phẩm khác thay thế để cân đối, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, phải lưu ý đối với đàn gia cầm giống đã tiêm phòng, thường xuyên khử trùng, tiêu độc để bảo đảm nhân rộng sau này, khi có những điều kiện cho phép.

Ngành y tế của tỉnh cần chủ động đến công tác phòng bệnh, điều trị bệnh cho nhân dân. Lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị, thuốc điều trị, chuyên môn. Khi tình huống xấu nhất xảy ra là bùng phát đại dịch thì mỗi địa phương phải tự bảo đảm điều trị được cho nhân dân tại chỗ.

* Ngày 9-11, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch hành  động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người tại TP Hà Nội. Nói chuyện với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong chỉ đạo thực hiện, từng cấp, từng ngành phải bình tĩnh, có kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt. Hà Nội phải bằng mọi cách để ngăn chặn có hiệu quả dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Sau khi làm việc với thành phố, Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra chợ Long Biên-nơi thường xuyên diễn ra hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm với số lượng lớn nhất của thành phố. Từ ngày 7-11, các dãy buôn, bán gia cầm đã ngừng hoạt động và được tẩy uế, khử trùng, vệ sinh môi trường. Tại Bệnh viện Đống Đa, Phó Thủ tướng đến từng phòng, kiểm tra từng trang thiết bị, nghe báo cáo kế hoạch hành động phòng, chống dịch của bệnh viện.

* Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, từ 1-10 đến 7-11, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở chín xã, tám huyện thuộc sáu tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bạc Liêu và Đồng Tháp. Tổng số gia cầm mắc, chết và tiêu hủy là 20.684 con, trong đó 9.486 gà và 11.198 vịt, ngan.

Tại tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 3-10, huyện Lấp Vò có 400 con vịt chết rải rác. Tại Bạc Liêu, một đàn vịt (1.030 con) tại xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân chết rải rác từ ngày 1-10. Tại tỉnh Quảng Nam, ngày 25-10, dịch cúm xảy ra ở hai xã thuộc huyện Thăng Bình và Quế Sơn làm 475 con vịt chết. Ngày 7-11, tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình tiếp tục có 300 con vịt chết. Tại Thanh Hóa, ngày 31-10, dịch cúm gia cầm xảy ra ở một hộ chăn nuôi gà, có 40 con chết tại xã Lộc Sơn thuộc huyện Hậu Lộc.

Tại Hà Nội, dịch xảy ra ở một hộ chăn nuôi gà có 15 con thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Tại tỉnh Bắc Giang, từ 25-10, dịch bùng phát ở 39 hộ chăn nuôi gia cầm thuộc hai huyện Việt Yên và Yên Dũng làm 5.213 con gia cầm chết. Ngày 8-11, dịch tiếp tục xảy ra ở xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang làm 15 con vịt bị chết. Sau khi phát hiện điểm bùng phát dịch, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tiến hành bao vây, vệ sinh tiêu độc môi trường và tiêu hủy toàn bộ số gia cầm bị bệnh.

* Ngày 9-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 53 của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Tham dự có lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) và đại diện các ban, ngành có liên quan ở trung ương. Hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tuyệt đối không báo cáo sai lệch về tình hình nhiễm dịch tại địa phương.

* Chiều 8-11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ, về kiểm tra việc phòng, chống dịch cúm gia cầm tại tỉnh Thái Bình. Đoàn công tác đã đến khảo sát tình hình phòng, chống dịch tại huyện Vũ Thư và Bệnh viện đa khoa tỉnh. Đến ngày 15-10, toàn tỉnh có 283 xã tiêm phòng đợt 1 cho hơn năm triệu con gia cầm. Đợt tiêm phòng thứ hai bắt đầu từ ngày 6-11 và kết thúc vào ngày 12-11. Bộ trưởng chỉ đạo cần thực hiện tốt "5 không": không nuôi gia cầm thả rông, không giấu dịch, không mua bán gia cầm bị bệnh, không ăn tiết canh, thịt gia cầm bị bệnh và không vứt bừa bãi xác gia cầm làm ô nhiễm môi trường.

* Ngày 9-11, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Mai Ái Trực kiểm tra tình hình triển khai công tác chuẩn bị phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch ở người tại tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã đến xã Bình Đào, kiểm tra trực tiếp tại hộ dân Nguyễn Tân Hùng (hộ có vịt bị chết hàng loạt), thị sát nơi chôn lấp gia cầm bị chết vừa qua, kiểm tra tình hình buôn bán gia cầm ở chợ thị trấn Ha Lam (huyện Thăng Bình). Sau đó, Bộ trưởng trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và Ban chỉ đạo khẩn cấp phòng, chống dịch gia cầm và đại dịch ở người. Cùng ngày, Bộ trưởng tiếp tục đi kiểm tra tại Trung tâm Y tế của tỉnh, Bệnh viện đa khoa Tam Kỳ, chợ Tam Kỳ. Bộ trưởng lưu ý lãnh đạo tỉnh phải tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm đối với những vùng đang có dịch, giải quyết dứt điểm vấn đề buôn bán, giết mổ và ăn tiết canh trên địa bàn, quyết tâm không để xảy ra dịch tại thị xã Hội An. Tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra, giám sát nhanh chóng triển khai phương án, kế hoạch phòng, chống dịch được tốt hơn.

* Đến ngày 9-11, Công ty thuốc thú y trung ương (NAVETCO) đã nhập khẩu và phân phối 201 triệu liều vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm, bao gồm 107 triệu liều vắc-xin H5N2 và 94 triệu liều vắc-xin H5N1. 50/64 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vắc-xin. Ba tỉnh Nam Định, Tiền Giang và Bắc Ninh hoàn thành kế hoạch tiêm vắc-xin cả hai mũi với hơn 16 triệu lượt con gia cầm. 15 tỉnh, thành phố đã tiêm xong mũi một. Tổng số gia cầm được tiêm là 88 triệu con, trong đó 57 triệu con gà, 29 triệu con vịt. Dự kiến, đến ngày 15-11, công ty sẽ nhập 47,7 triệu liều vắc-xin H5N2 và 11,1 triệu liều vắc-xin H5N1.

* Theo Cục Thú y, từ nay đến hết tháng 12, cả nước thực hiện chiến dịch vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường ở cơ sở chăn nuôi, chợ buôn bán, nơi giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở chế biến. 15 thành phố, thị xã cần khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương, Hạ Long, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

* Đến nay, 42 phường, thị trấn trong tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành tiêm phòng cúm gia cầm đợt 1 cho hơn 600 nghìn con gà, vịt. Chi cục Thú y tỉnh đã huy động hơn 400 cán bộ thú y, hợp đồng tuyển dụng các thú y viên ở cơ sở tham gia tiêm phòng. Tỉnh dành ngân sách hơn 500 triệu đồng cho chiến dịch này.

* Tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo ngừng nuôi mới gia cầm trong thị xã, trước tiên là khu vực nội thị từ nay đến trước Tết Nguyên đán. Cấm kinh doanh tiết canh các loại ở các cửa hàng ăn uống, vận động các hộ chăn nuôi gia cầm chuyển sang nghề khác. Rà soát đàn gia cầm giống trên địa bàn để hỗ trợ, bảo vệ nguồn giống, nhằm khôi phục phát triển đàn gia cầm sau dịch.

* Ngày 8-11, Sở Thương mại Hà Nội đề nghị thành phố cấm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống, kể cả các loại chim cảnh tại các chợ nội thành. Gia cầm và sản phẩm gia cầm khi vận chuyển vào nội thành phải chuyên chở bằng xe ô-tô chở hàng theo quy định; cấm các cửa hàng bán thức ăn đường phố bán gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm.

* Tỉnh Nam Định hoàn thành hai đợt tiêm vắc-xin phòng, chống dịch cho hơn 4,2 triệu gia cầm. Tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật giám sát, phát hiện, xử lý dịch cho gần 1.200 cán bộ thú y cơ sở, cộng tác viên báo dịch; trang bị phương tiện, vật tư phòng, chống dịch đồng bộ. Chi cục Thú y tỉnh sẵn sàng 10 tủ đá, tủ lạnh; dự trữ hơn một triệu liều vắc-xin. Mỗi trạm thú y huyện đều có ba tủ lạnh; mỗi xã có một ngăn tủ bảo ôn và năm phích lạnh.

* Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, từ 4 đến 7-11 tại các trang trại của ông Nguyễn Văn Tình, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, có 57 con gà chết. Chi cục đã cử cán bộ kiểm tra, lấy bệnh phẩm xét nghiệm; đồng thời yêu cầu chủ trang trại cho tẩy uế, phun thuốc tiêu độc, khử trùng trên toàn bộ trang trại.

* Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã hướng dẫn hàng nghìn hộ nuôi vịt chuyển sang nuôi cá, ếch, ba ba. UBND tỉnh sẽ hỗ trợ những gia đình nghèo một phần kinh phí phục vụ việc chuyển từ nuôi thủy cầm sang nuôi thủy sản. Sở Thủy sản cung ứng năm triệu cá giống nước ngọt cho các hộ gia đình chăn nuôi trong vụ đông và đông xuân. Các ngân hàng cũng dự kiến chi ba tỷ đồng hỗ trợ người dân chuyển từ nuôi vịt sang thủy sản.

* Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn hai triệu con gia cầm, chủ yếu nuôi phân tán với hình thức thả rông là chính. Tại các chợ Đông Ba, Tây Lộc, mỗi ngày có 100-200 con gia cầm được giết mổ đem bán, tuy số lượng có giảm khoảng một nửa so trước, nhưng ý thức phòng tránh chưa cao. Tại các điểm kinh doanh thịt gia cầm trên các đường Đống Đa, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... bày bán bình thường.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, đến nay, tỉnh mới tiêm được 2.300 liều vắc-xin phòng dịch lần 1 cho đàn gia cầm. Cuối tháng 11, chi cục sẽ xây dựng đề án các điểm giết mổ gia cầm tập trung TP Huế, có quy mô giết mổ khoảng 3.000 con/ngày.

* Từ năm 2003 đến nay, Bình Thuận chưa để xảy ra dịch cúm gia cầm. Vừa qua, tỉnh chỉ thị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể trong tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp: sớm hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm; cấm nhập gia cầm vào địa bàn tỉnh, không cho nuôi mới, phát triển các loại gia cầm, xử lý triệt để mọi hành vi vi phạm.

* Theo Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum, hơn 60% số lượng gà và 80% số thủy cầm tiêu thụ tại tỉnh được nhập từ các tỉnh khác. Người dân chưa ý thức đầy đủ về sự nguy hiểm của dịch cúm H5N1 nên số lượng gia cầm tiêu thụ ra thị trường không giảm. Hiện tỉnh mới chỉ có một trạm kiểm dịch động vật đặt tại quốc lộ 14, nhưng chưa thực hiện tốt công tác kiểm dịch gia cầm.

* Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm TP Hồ Chí Minh đã họp bàn về việc kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ vận chuyển gia cầm vào thành phố và kế hoạch dự trữ, cung cấp thực phẩm thay thế cho nhân dân, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền. Sở Thương mại dự trữ hơn 2.870 tấn, với tổng số tiền để dự trữ nguồn thực phẩm thay thế là 154 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố giao các doanh nghiệp tổ chức thu mua gà thịt, gà đẻ đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn có đăng ký nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

* Tỉnh Long An tạm thời đình chỉ hoạt động ấp trứng, nuôi mới gia cầm trên địa bàn từ ngày 15-11, thực hiện nghiêm quản lý giết mổ gia cầm. Kể từ ngày 20-11, không cho phép buôn bán giết mổ gia cầm, gia súc sống tại các chợ trong nội thị xã, thị trấn, chỉ buôn bán gia cầm sau khi đã giết mổ, chế biến bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.

* Đến 6-11, tỉnh Cà Mau đã tiêm phòng vắc-xin cho gần 400/850 nghìn con tổng đàn gia cầm toàn tỉnh. Đã có 36 xã hoàn thành tiêm phòng đợt 1. Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương tiêm phòng đợt 2, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 12; trong đó TP Cà Mau đã tiêm vắc-xin đợt 2 dứt điểm cho đàn gia cầm hơn 40 nghìn con.

* Đến nay, Chi cục Thú y Tây Ninh đã tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho gần 700 nghìn con gà, vịt trong toàn tỉnh. Công tác tiêm phòng đợt 1 sẽ kết thúc vào cuối tháng 11-2005. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu bí thư cấp ủy các cấp trực tiếp lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch tái phát. Ngành thú y tỉnh đang kiên quyết xử lý những đàn vịt chạy đồng từ miền Tây Nam Bộ tràn lên, do Tây Ninh đã vào thời điểm thu hoạch lúa mùa.

* UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thành lập Ban Chỉ đạo khẩn cấp phòng, chống dịch cúm A và chỉ đạo hai ngành y tế và nông nghiệp khẩn trương xây dựng ba mô hình diễn tập phòng, chống dịch bệnh xảy ra ở người tại TP Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, hai huyện Long Điền, Châu Đức. Tổng kinh phí dự toán để ứng phó khẩn cấp khi dịch cúm xảy ra trên địa bàn là 225 tỷ đồng, trích từ ngân sách dự phòng của địa phương.

* Từ ngày 15-11, UBND tỉnh Bến Tre nghiêm cấm mọi hình thức chăn nuôi gia cầm, chim cảnh trong các thị tứ và đến 30-11, cấm vận chuyển, xuất nhập, chế biến, kinh doanh gia cầm, chim cảnh hoặc các sản phẩm gia cầm. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra tại các cửa ngõ ra vào tỉnh; các chợ, điểm đầu mối kinh doanh, các cơ sở sản xuất con giống gia cầm và xử phạt việc thả thủy cầm trên các nguồn nước công cộng.

(Nhân dân)