In bài viết

Động lực du lịch của vùng duyên hải miền Trung

(Chinhphu.vn) - Vùng Duyên hải miền Trung được hình thành bởi 11 tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận là nơi hội tụ đầy đủ các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử đặc thù của cả nước.

15/02/2019 14:24
Ảnh minh hoạ

Vùng duyên hải miền Trung có chiều dài 1.400 km bờ biển, với nhiều bãi tắm đẹp trải dài từ Quảng Trị tới Bình Thuận, được xếp vào loại những bãi biển đẹp nhất của thế giới và trong cả nước như Cửa Việt, Thuận An, Lăng Cô, Đà Nẵng, Cửa Đại, Mỹ Khê, Phương Mai, Hòn Gốm, Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Chữ, Hàm Tiến - Mũi Né... Ven bờ biển là hệ thống các đảo có giá trị về tự nhiên, lịch sử và văn hóa, rất hấp dẫn đối với khách du lịch mà tiêu biểu là Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý.

Ngoài khơi vùng duyên hải miền Trung là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa -nơi thiên nhiên còn hoang sơ với hệ sinh thái biển đảo, đặc biệt là hệ sinh thái san hô. Vùng này còn có nhiều vịnh đẹp, hấp dẫn về mặt du lịch đã được thế giới công nhận như Lăng Cô và Nha Trang, các đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Cù Mông, Thị Nại, Nha Phu..., trong đó đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích hơn 22.000 ha được xem là vùng đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Vùng duyên hải miền Trung còn có nhiều tiềm năng có khả năng phát triển du lịch sinh thái như Vườn Quốc gia Bạch Mã, Núi Chúa; có 14 khu bảo tồn thiên nhiên; khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và 9 trên tổng số 16 khu bảo tồn biển ở Việt Nam, trong đó khu bảo tồn biển Hòn Mun (Khánh Hòa) là khu bảo tồn biển đầu tiên được thành lập ở Việt Nam. Đây cũng là nơi có một số cảnh quan tự nhiên đặc biệt có giá trị hấp dẫn về mặt du lịch như Gềnh Đá Đĩa (Phú Yên), các cồn cát ở Ninh Thuận (Tuấn Tú, Nam Dương), ở Bình Thuận (đồi Hồng, bàu Trắng)…

Về lịch sử - văn hóa, vùng duyên hải miền Trung là nơi tập trung của nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Các di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận gồm: Thừa Thiên - Huế có 5 trên tổng số 8 di sản (Quần thể di tích cố đô Huế - di sản vật thể, Nhã nhạc cung đình Huế - di sản phi vật thể, Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế - di sản tư liệu); Quảng Nam có phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn; dân ca bài chòi các tỉnh miền Trung. Đồng thời vùng duyên hải miền Trung cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa mà tiêu biểu là văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, văn hóa Trung Hoa, văn hóa Nhật Bản...

Đến năm 2017 trên địa bàn vùng duyên hải miền Trung có gần 300 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được công nhận cấp quốc gia (trong đó có 12 di tích quốc gia đặc biệt). Ngoài ra, còn có những tài nguyên văn hóa lịch sử như cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, Trúc Lâm thiền viện trên đỉnh Bạch Mã (Thừa Thiên Huế); làng đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng - Sơn Trà, thành Điện Hải (Đà Nẵng); kinh đô Trà Kiệu, chùa Cầu, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Nam); Khu chứng tích Sơn Mỹ, Trường Lũy (Quảng Ngãi); Bảo tàng Quang Trung, thành Hoàng đế với những di tích quý giá về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (Bình Định); di tích lịch sử “tàu không số" Vũng Rô, chùa Từ Quang (Phú Yên); thành lũy Diên Khánh, Viện Hải dương học (Khánh  Hòa) và Di tích trường Dục Thanh (Bình Thuận)...

Để thu hút đầu tư, những năm qua, các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung đã tích cực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tạo kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây khu vực Đông Nam Á và liên thông với quốc tế. Trong đó, hệ thống đường không với sáu sân bay (ba sân bay quốc tế là Phú Bài - Thừa Thiên - Huế, sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh - Khánh Hòa); hệ thống cảng biển với bảy cảng biển quốc tế. Hệ thống đường bộ, tiêu biểu như Quốc lộ 1A, con đường huyết mạch kết nối các địa phương trong vùng cũng như kết nối vùng duyên hải miền Trung với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và lan tỏa đi các vùng và địa phương khác trong cả nước. Cùng với đó là đường Hồ Chí Minh chạy dọc dải Trường Sơn hùng vĩ, mới nhất là đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa khánh thành và đi vào sử dụng từ ngày 2/9/2018 cùng các tuyến cao tốc Nha Trang - Phan Thiết, Bình Định - Nha Trang cũng đã đưa vào kế hoạch thực hiện trong giai đoạn đến năm 2021.

Lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông cho phép vùng duyên hải miền Trung thực hiện liên kết du lịch thuận lợi với các vùng khác trong nước (thông qua hệ thống đường quốc lộ, đường sắt xuyên Việt và hệ thống sáu sân bay) cũng như với khu vực và quốc tế bằng đường bộ (cửa khẩu quốc tế Lao Bảo), đường không thông qua bốn cảng hàng không quốc tế, đặc biệt là sân bay quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh và đường biển thông qua bảy cảng biển loại I, đặc biệt là cảng Chân Mây, Tiên Sa, Quy Nhơn và Nha Trang.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2010 - 2016, các dự án du lịch vùng duyên hải miền Trung đã thu hút được từ 63.000 - 65.000 tỷ đồng; riêng năm 2017 đã có sự tăng tốc mạnh mẽ với lượng vốn thu hút đầu tư tăng lên trên 92.000 tỷ đồng; trong đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu như Tập đoàn Intercontinetal, Banyantree-Singapore, Sun Group, Vingroup, FLC…đến đầu tư các khu nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế. Về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (hệ thống cơ sở lưu trú) của toàn vùng tăng từ 44.794 buồng khách sạn (năm 2010) lên 104.402 buồng (năm 2017); trong đó, số buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao chiếm 48,8%, chủ yếu tại 5 địa phương trọng điểm của vùng là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận...

Theo số liệu thống kê, trong những năm qua, tổng lượng khách du lịch đến các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung tăng nhanh. Nếu năm 2010 toàn vùng chỉ đạt 13,2 triệu lượt khách thì năm 2017 đã tăng lên 34 triệu lượt, chiếm 39% tổng lượt khách của cả nước, tốc độ tăng trưởng khách bình quân thời kỳ 2010-2017 đạt 13,3%/năm. Tổng thu nhập từ du lịch (đạt trên 61.448 tỷ đồng năm 2017), tăng trưởng bình quân  25,2%/năm, tăng trưởng bình quân vốn đầu tư ngành du lịch 17,1 %/năm; năm 2017 tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP chung toàn vùng đạt tới 8,9% so (tỷ lệ của cả nước đạt 7,5%).

Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch vùng duyên hải miền Trung, diễn ra vào ngày 16/2, là cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của vùng duyên hải miền Trung đến các địa phương khác trong cả nước cũng như bạn bè quốc tế; là dịp giới thiệu các danh lam thắng cảnh, các sản phẩm du lịch mang thương hiệu của toàn vùng như: Du lịch văn hóa, di sản; du lịch biển, đầm phá; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi, giải trí; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch tâm linh. Đây cũng là dịp để phân tích, đánh giá thực trạng, môi trường đầu tư và phát triển du lịch khu vực  vùng duyên hải miền Trung dựa trên những cứ liệu khoa học, thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp đột phá; nhất là đề xuất định hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp đột phá để đưa du lịch vùng duyên hải miền Trung từng bước thành ngành kinh tế mũi nhọn.

MK (Theo TTXVN)