KBT Đồng Nai rộng trên 100 ngàn hécta, có nhiều động, thực vật phong phú, quý hiểm trong đó có nhiều loài nằm trong sách Đỏ, nhưng lại có vị trí tiếp giáp với nhiều tỉnh, địa hình phức tạp, mạng lưới giao thông phần lớn đều đi xuyên rừng. Trong khi đó, tuyến đường 761 (rộng 9m, dài 36km) là đường độc đạo có điểm đầu giao với đường tỉnh 767 đi ngang qua KBT và kết thúc tại trung tâm xã Phú Lý (Vĩnh Cửu). Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng dễ dàng vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã... trái phép thường xuyên xảy ra. Ông Trần Văn Mùi , Giám đốc KBT cho biết: KBT đã lập hồ sơ đề nghị với Ủy ban Sinh quyển và Con người (MAB) và Tổ chức UNESCO xem xét công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Chính vì vậy, bằng mọi cách phải tiến hành những giải pháp khả thi trong việc giữ rừng tốt, hạn chế nguy cơ cháy rừng, phá rừng… do tác động từ con người.
Hạt Kiểm Lâm huyệ̣n Vĩnh Cửu cho biết, vì là tuyến đường độc đạo nên hàng ngày có hàng trăm phương tiện đi về trên con đường này, trong đó ngoài xe hai bánh còn có xe tải, xe khách...Hạt Kiểm lâm đã nhiều lần phát hiện nhiều loại động vật rừng được giấu trên xe khách, xe chở vật liệu. Trong đó còn có nhiều xe mô tô cũng là phương tiện chuyên chở, tẩu tán thú rừng, lâm sản... trót lọt trên những con đường mòn. Hiện nay, dân cư sinh sống trong rừng và dọc ven vùng bán ngập hồ Trị An, từ ấp 1 đến ấp 6 xã Mã Đà có hơn 700 hộ dân với trên 4.500 nhân khẩu... đang canh tác 812 hécta xoài. Cư dân ở đây có xuất xứ từ nhiều địa phương trên cả nước, bao gồm di dân tự do, dân kinh tế mới...
Giải pháp mở đường dân sinh vùng bán ngập ven hồ Trị An- Phú Lý thay cho đường 761 hiện hữu, trước mắt sẽ tạo điều kiện cho dân cư trong khu vực thuận tiện đi lại, phát triển kinh tế. Mục tiêu cơ bản là bảo vệ rừng, gắn với việc tôn tạo di tích lịch sử, phát triển tối đa hoạt động du lịch sinh thái, hồ Trị An. Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường mới ven hồ sẽ tạo ranh giới rõ ràng giữa lâm phần KBT và các cụm dân cư. Vì thế, tuyến 761 hiện hữu sẽ hạn chế được người vào rừng bất hợp pháp và KBT lúc đó sẽ dành cho phát triển du lịch, phục vụ khách tham quan, nghiên cứu khoa học đúng nghĩa.
Theo UBND tỉnh trước mắt, việc mở đường không có nghĩa không thực hiện đề án di dân ra khỏi KBT. Tuy nhiên, tỉnh cũng giao cho ngành chức năng liên quan, KBT và UBND huyện Vĩnh Cửu tiếp tục nghiên cứu, tính toán hiệu quả của việc chuyển dân ra khỏi rừng. Có thể 5 năm tới tiến hành di dân từng đợt, nhưng bằng mọi cách, khi người lao động từ trong rừng ra phải được học nghề, có việc làm ổn định, đời sống được nâng cao...
Lê Hiền