Đồng Nai: thẩm định điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025
Sáng 12-1, tại hội trường Trụ sở Khối nhà nước, Hội đồng Thẩm định tỉnh đã tổ chức cuộc họp về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn 2025.
* Hiện trạng thực tế
Theo báo cáo của thành viên tư vấn, kinh tế tỉnh giai đoạn 2006-2010 phát triển nhanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,5%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP giảm từ 15% xuống còn 8,6%.
Các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, an sinh xã hội có chuyển biến tích cực, đời sống của người dân được nâng lên một bước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp, xây dựng từng bước góp phần thay đổi diện mạo và thúc đẩy quá trình CNH-HĐH của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn này đạt và vượt so với kế hoạch.
Đồng Nai sẽ cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2015
Tuy nhiên, phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn vừa qua còn một số yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Cụ thể, chưa phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Hoạt động thương mại dịch vụ ít có dự án lớn, dịch vụ du lịch, giải trí phát triển chậm. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên ha đất chưa cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất còn hạn chế, hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ… Một số lĩnh vực xã hội còn hạn chế, chất lượng giáo dục – đào tạo có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ. Chưa đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân còn chưa tốt, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.
Về các phương án huy động vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2006-2010, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh chiếm khoảng 11,2% tổng vốn đầu tư xã hội ở Vùng Đông Nam bộ tương đương gần 1.102 ngàn tỷ đồng. Năm 2010, GDP của tỉnh chiếm xấp xỉ 9,4% GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm gần 10,3% GDP của vùng Đông Nam bộ đến 2020, dự báo thu hút vốn đầu tư xã hội của vùng thời kỳ 2011-2020 đạt khoảng 8.900 -9.000 ngàn tỷ đồng, tương đương 384-388 tỷ USD.
Tăng cường phát triển các loại dịch vụ chất lượng cao
Xem xét các yếu tố tác động và xuất phát điểm phát triển của kinh tế tỉnh, hội đồng tư vấn đề xuất 4 kịch bản về khả năng thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2011-2020. Trong đó, phương án 1 thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình so với tiềm năng, tăng trưởng kinh tế 11,7% tương đương với nhịp tăng trưởng chung của vùng Đông Nam bộ (11,5%-12%) thời kỳ 2011-2020, chưa thể hiện được vai trò của tỉnh là một địa bàn trọng điểm kinh tế của vùng. Phương 4 có ưu điểm tăng trưởng kinh tế rất cao ở mức tối đa tiềm năng nhưng cần huy động vốn đầu tư xã hội rất lớn, tính khả thi không cao.
Trong khoảng giới hạn từ phương án 2 đến phương án 3, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức khá và cao (cao hơn gần 1,1 nhịp tăng trưởng chung của vùng Đông Nam bộ). Trong phạm vi các phương án này, GDP bình quân đầu người và tỷ trọng vùng ngày càng được nâng lên. Tốc độ huy động vốn đầu tư cần tăng bình quân 18%/năm có tính khả thi và phù hợp với giai đoạn phát triển của nền kinh tế của tỉnh. Và đề xuất lựa chọn đây là phương án biên về huy động vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế tỉnh đến năm 2020.
Mục tiêu của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 là: phát huy lợi thế, duy trì nhịp độ phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội – môi trường đi đôi với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh, xây dựng Đồng Nai cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và tỉnh công nghiệp có nền tảng kinh tế xã hội CNH-HĐH, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại vào năm 2020, hướng đến trở thành một trong 5 trung tâm kinh tế, đô thị có sức thu hút và lan tỏa mạnh của cả nước vào 2025-2030.
* Và các giải pháp thực hiện
Các giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch gồm: phát huy vai trò của hệ thống chính trị và đẩy mạnh cải cách hành chính làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dự kiến vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2011-2020 đạt khoảng trên 1.106 ngàn tỷ đồng, do vậy để thực hiện các giải pháp trên cần có chính sách huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, phát huy lợi thế thu hút đầu tư của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, xã hội hóa các lĩnh vực, trong đó ưu tiên cho phát triển vùng nông thôn. Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đối với các dự án đầu tư sản xuất sạch, dự án đầu tư công nghệ tiên tiến. Triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Tăng đầu tư cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng khó khăn, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, có chính sách ưu đãi, thu hút và sử dụng nhân tài, nhân lực có trình độ cao.
Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ ưu tiên tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là ở các tuyến y tế cơ sở
Trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 – 2010 và tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh ưu tiên cho các nội dung có tính chất đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: phát triển đô thị trung tâm, phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển; các dịch vụ mũi nhọn như vận chuyển, kho bãi, logistic, du lịch, tài chính, ngân hàng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, khu công nghiệp chuyên ngành…
Coi trọng đào tạo nguồn nhân lực cao tại chỗ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Tại buổi họp, thành viên tư vấn đã đề nghị bổ sung thêm một số nội dung quan trọng như: làm rõ chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế - xã hội của Đồng Nai, coi khoa học công nghệ làm công cụ để thúc đẩy sự tốc độ và chất lượng tăng trưởng, có biện pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ, bổ sung thêm quan điểm phát triển của Trung ương kết hợp với tình hình thực tế của địa phương để có quan điểm phát triển hài hòa. Trong phát triển kinh tế, cũng cần đề cập và làm rõ đến các nội dung và giải pháp đối với giai đoạn này là phát triển công nghiệp, hạ tầng, giảm nhập siêu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, phát triển dịch vụ chất lượng cao…
N. Thương
Các chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020
Trên lĩnh vực kinh tế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân đạt 12,5% - 13%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 12%-13%/năm giai đoạn 2016-2020.
GDP bình quân đầu người đạt 2.900-3.000 USD vào năm 2015 và 5.800-6.000 USD vào năm 2020.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2015 bao gồm: Nông nghiệp chiếm 5,8%-6%, công nghiệp – xây dựng đạt 56%-56,2%, dịch vụ 38%-38,2%, đến năm 2020, nông nghiệp chiếm 4%-4,4%, dịch vụ chiếm 42%-42,2%.
Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 14%-14,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 10%-10,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Thu ngân sách nhà nước hàng năm so với GDP chiếm 23%-25%.
Lĩnh vực xã hội
Giảm và giữ ổn định mức tăng dân số tự nhiên đến năm 2015 là 1,1% và năm 2020 là 1%, quy mô dân số 2,8%-2,9% triệu người vào 2015 và 3,1%-3,2% triệu người vào năm 2020.
Tỷ lệ hội nghèo theo tiêu chuẩn của tỉnh giảm xuống hàng năm 1%-1,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% vào năm 2015 và đạt 77% vào năm 2020. Tỷ lệ có điện và tỷ lệ dân số thành thị được cấp nước sạch đạt 100% vào năm 2020.
Thu gom và xử lý 100% chất thải y tế, rác thải sinh hoạt đô thị, chất thải rắn không nguy hại vào năm 2020, thu gom và xử lý 100% chất thải nguy hại vào năm 2020. Tỷ lệ các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy chuẩn môi trường đạt 100% đến năm 2015.
Đạt chuẩn quốc gia về phổ cập mầm non 5 tuổi vào năm 2015 và chuẩn phổ cập giáo dục 9 năm đúng độ tuổi vào năm 2020.
Tỷ lệ trẻ em suy sinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi giảm xuống còn 10% vào năm 2015 và 5% vào năm 2020. Trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo độ tuổi giảm xuống còn 25% năm 2015 và 20% vào năm 2020.
Thanh Minh