PGS.TS. Nguyễn Văn Viết, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, đã dùng phương pháp trọng lượng điều hòa để xác định xu thế năng suất cây trồng trước những biến đổi thời tiết. Tuy chưa thể khẳng định những biến động về năng suất cây trồng đều do biến đổi khí hậu song đã có dấu hiệu cho thấy khí hậu có tác động đến sản lượng năng suất nông nghiệp.
Sản lượng lúa đông xuân và lúa mùa ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng có dao động mạnh nhất do thời tiết, đặc biệt từ những năm 1985, 1986 trở lại đây. Năng suất lúa đông xuân vùng này dao động khoảng 7ha và lúa mùa là 3-5ha. Sản lượng cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su cũng biến động mạnh do thời tiết từ năm 1988 trở lại đây.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy dao động sản lượng cây trồng do thời tiết không cao song nguy cơ nước biển dâng do biến đổi khí hậu lại rất lớn. Nếu mực nước biển dâng cao khoảng một mét, thì vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập khoảng 12% và như vậy diện tích lúa mất đi khoảng 40%.
TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, đây là bài toán mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải giải quyết. Đó là chuyện đáng lo ngại, dù hiện chưa thể nói trước được lúc nào mực nước biển sẽ dâng 1m nhưng nếu nước biển tăng lên như vậy, chắc chắn sẽ khó có giống nào chống chịu được độ mặn cao như thế.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Viết, lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào chính sách nông nghiệp phải phù hợp với đặc thù của từng vùng. Đối với đồng bằng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc là vùng dân cư đông đúc, trù phù nên các giải pháp phải đảm bảo tính ổn định và kế thừa. Còn vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long sẽ có biến động lớn khi nước biển dâng nên cần các chính sách dịch chuyển cư dân trong nội vùng ra ngoài vùng đồng bằng và có quy hoạch lâu dài để đảm bảo dân cư sống ổn định. Vùng duyênhải miền Trung có địa mạo không ổn định, địa hình phức tạp có cả vùng biển, đồng bằng và núi nên việc quy hoạch dân cư cần tính với việc dịch chuyển số lượng lớn dân lên vùng cao, di dân khỏi vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
PGS.TS. Nguyễn Văn Viết cũng đề xuất, cần các giải pháp kỹ thuật công nghệ để cây trồng, đồng ruộng thích nghi với biến đổi khí hậu. Đó là chuyển đổi mùa vụ đối với cây ngắn ngày như lúa, ngô, khoai, đậu tương, lạc và làm nhiều vụ trong năm. Đồng thời cần nghiên cứu tạo những giống cây trồng mới, canh tác đúng kỹ thuật để giảm thiểu khí CO2, tăng nguồn hữu cơ cho đất, tránh xói mòn...
Tất cả các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp đều liên quan đến khí hậu như chế độ canh tác, chăn nuôi, dịch bệnh, phòng chống bão lụt, thủy lợi, rừng, dân cư nông nghiệp, thủy sản... Nhanh chóng có những giải pháp chính sách và khoa học để xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cần thiết hiện nay.
Bùi Nhật