Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia tài chính Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam kiêm Founder của nền tảng Fstock cho biết, nếu để thị trường chứng khoán phát triển quá tự do thì hoạt động thao túng và yếu tố đầu cơ sẽ khiến dòng tiền bị cuốn vào những "cuộc chơi" ngắn hạn, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư và sự phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, chuyên gia này cũng đưa ra những phân tích về "lỗ hổng" trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ông đánh giá thế nào về vai trò thị trường chứng khoán trong việc huy động vốn?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Có thể nói, ngoài kênh vốn từ tổ chức tín dụng và ngân hàng, thị trường chứng khoán đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc huy động vốn dài hạn, thông qua việc huy động vốn từ cổ đông là phát hành cổ phiếu cũng như huy động vốn từ trái phiếu là vay, phát hành cho trái chủ (Bondholder - người cho nhà phát hành vay tiền thông qua việc mua trái phiếu).
Tôi nhận thấy lĩnh vực này có bước tiến dài trong các năm qua, hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) niêm yết huy động vốn thành công, để đầu tư kinh doanh trong ngành nghề của họ. Ví dụ, ngành chứng khoán thời gian qua tăng vốn rất nhanh, trước đó là ngành ngân hàng còn trước nữa là bất động sản. Ba ngành này là "xương sống" của nền kinh tế và có giá trị vốn hóa rất lớn trên thị trường chứng khoán. Rõ ràng, đây có thể là kênh chính cho hoạt động của DN, còn kênh tín dụng chỉ để huy động vốn ngắn hạn, lưu động.
Hai năm trở lại đây, thị trường chứng khoánnước ta đã có bước phát triển vượt bậc. Sự phát triển này có yếu tố liên quan đến dịch bệnh và thị trường đã số hóa nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Chỉ số VNIndex đạt vùng đỉnh cao mới, dao động quanh mức 1.500 điểm, phá vỡ vùng điểm lịch sử nhiều năm trước là 1.274 điểm. Ngoài ra, thanh khoản thị trường từ năm 2021 đến nay tăng gấp 4 lần so với mức bình quân của 10 năm trước đó.
Yếu tố thứ tích cực nữa là số tài khoản mở mới chỉ trong 2 năm qua bằng tổng số tài khoản mở mới từ khi thị thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động đến năm 2020. Dòng tiền đổ vào thị trường giúp cho chỉ số VNIndex tăng trưởng mạnh như hiện nay. Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở quanh mức 250 tỷ USD. Đây là những con số rất ấn tượng.
Ngoài ra, trong giao dịch hằng ngày, tôi nhận thấy sản phẩm mới như phái sinh, thanh khoản cổ phiếu niêm yết mới ngày càng tăng. Trong 2 năm trở lại đây, quá trình huy động vốn của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán hằng năm đều tăng trưởng bình quân từ 30 - 40%. Tới đây, những con số này sẽ còn tăng lên nhanh chóng vì quy mô thị trường chứng khoán nước ta hiện nay còn nhỏ nên có nhiều dư địa. Cùng với đó, nhiều điều kiện vĩ mô và sự tham gia của các nhà đầu tư mới sẽ khiến thị trường mở rộng hơn nữa.
Bên cạnh những bước tiến rất đáng mừng như ông vừa chia sẻ, thị trường chứng khoán nước ta đang phải đối mặt với những thách thức gì, thưa ông?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng có một yếu tố cần đẩy nhanh hơn nữa, đó là nâng hạng thị trường. Chúng ta đặt mục tiêu này từ năm 2020. Bây giờ là năm 2022, chúng ta vẫn đặt mục tiêu này cho đến năm 2025. Rõ ràng, quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chậm và có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của nền kinh tế.
Còn nói về những thách thức ngắn hạn trên thị trường chứng khoán, tôi muốn nhấn mạnh đến những hoạt động thao túng thị trường chứng khoán gần đây, hay những đội nhóm đầu cơ thị trường sẽ ảnh hưởng đến thị trường nói chung và lợi ích của các nhà đầu tư mới. Hầu hết những người bị "hút" vào cuộc chơi này sẽ bị lỗ và cũng khó có khả năng trở lại thị trường. Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công an vào cuộc rất quyết liệt. Tôi tin rằng với động thái mạnh mẽ từ Chính phủ và cơ quan chức năng, thị trường sẽ minh bạch, trong sạch hơn và phát triển đúng hướng hơn.
Nhiều người đề cập đến chuyện khơi thông dòng tiền "sạch". Quả thực trên thị trường chứng khoán khó có thể nói đâu là dòng tiền "sạch" hay "không sạch". Vấn đề là dòng tiền đầu tư đúng hướng, nghĩa là chúng ta phải hướng được dòng tiền đầu tư vào mục đích trung và dài hạn, vào những DN tốt, tạo ra được giá trị cho xã hội, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm, giá trị doanh thu, lợi nhuận cho cổ đông. Khi đó, thị trường sẽ có nhiều cơ hội phát triển, DN tăng trưởng mạnh và cổ động cũng có lợi.
Thị trường luôn tồn tại yếu tố đầu cơ, những "cuộc chơi ngắn hạn" thường gây rất nhiều thiệt hại cho các nhà đầu tư mới, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nếu chúng ta để cho thị trường phát triển quá tự do, dẫn đến những hành vi lừa gạt nhà đầu tư mới, dòng tiền bị cuốn vào những cuộc chơi đó thì sẽ không thể phát triển bền vững.
Dưới góc độ vừa là chuyên gia tài chính vừa là lãnh đạo DN chứng khoán, ông có kiến nghị, đề xuất gì để thị trường chứng khoán lành mạnh, đi đúng hướng?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Theo tôi, có mấy vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm. Thứ nhất, chúng ta nên đẩy nhanh tiến trình ứng dụng các giao dịch mới, đồng nhất vào thị trường chứng khoán. Việc này giúp cho thị trường mở ra các sản phẩm mới, như: Sản phẩm giao dịch trong ngày, sản phẩm phái sinh, hợp đồng quyền chọn trên chỉ số, trên trái phiếu và trên cả cổ phiếu. Thị trường có nhiều sản phẩm đồng nghĩa với việc có đầy đủ công cụ để nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro.
Còn về hàng hóa, tôi tin rằng đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DN Nhà nước để nhiều tổng công ty, tập đoàn Nhà nước niêm yết sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư tốt. Đây chính là cơ sở hàng hóa rất chất lượng mà thị trường đang cần. Khi các DN đó niêm yết thì quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thuận lợi.
Yếu tố thứ ba là khắc phục giới hạn đầu tư của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Nếu chúng ta nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài, cộng với việc nới giới hạn của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào sẽ giúp thị trường lớn mạnh hơn nhiều.
Bên cạnh đó, cần minh bạch hơn nữa về mặt thông tin, tránh để xảy ra tin đồn thất thiệt, tin giả vì nó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tâm lý các nhà đầu tư.
Quá trình minh bạch hóa thị trường rất cần thông tin cụ thể từ cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Công an. Tôi thấy Chính phủ rất sát sao việc này và đã xử lý nghiêm và trong thời gian tới, cần tiếp tục chấn chỉnh hành vi này với tinh thần quyết liệt.
Hiện nay, có rất nhiều ý kiến về những "lỗ hổng" trong việc phát hành trái phiếu DN. Về vấn đề này, quan điểm của ông ra sao? Làm gì để việc phát hành trái phiếu đem lại hiệu quả thực chất, đúng mục đích?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Từ năm 2020, kênh trái phiếu DN cũng phát triển rất mạnh, nhất là khi các tổ chức tín dụng hạn chế giải ngân cho lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Đối với lĩnh vực bất động sản, việc phát hành trái phiếu giúp DN huy động được vốn để phát triển, triển khai các dự án, đem lại doanh thu, lợi nhuận.
Sự phát triển mạnh cũng để lại một số những rủi ro nằm ở một bộ phận nhỏ chứ không phải đa số. Tôi cho rằng hầu hết DN trên thị trường này đều tuân thủ quy định pháp luật để có thể huy động vốn một cách minh bạch và họ đáp ứng đủ tiêu chí về tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng, trả nợ gốc và lãi đúng hạn.
Tuy nhiên, gần đây đã xảy ra một số trường hợp mang tính chất "con sâu làm rầu nồi canh", huy động vốn nhưng sai quy định phát hành trái phiếu. Trường hợp vi phạm đều lách quy định, sau đó phát hành trái phiếu ra đại chúng nhưng không xin phép, dẫn đến các lượt phát hành trái phiếu bị hủy. Ngoài ra, việc sử dụng vốn có đúng mục đích hay không cũng là vấn đề nhức nhối vì quá trình giám sát còn lỏng lẻo. Như vậy, việc huy động vốn đã vi phạm rồi, mục đích sử vốn còn vi phạm tiếp, dẫn đến một số bên bị quy kết là "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" thông qua việc thực hiện sai quy định pháp luật trong quá trình phát hành trái phiếu.
Theo quan điểm của tôi, đối với thị trường này, khâu quan trọng nhất là giám sát cấp phép, hiện nay Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực thi nhiệm vụ này. Còn về giám sát mục đích sử dụng vốn, giám sát tài sản đảm bảo, tôi cho rằng còn chưa sát sao, chưa có quy định rõ ràng. Do đó, dẫn đến nhiều DN lách luật.
Vì vậy, chúng ta nên có thêm quy định về việc các tổ chức trung gian là công ty định hạng tín nhiệm DN tham gia quá trình phát hành trái phiếu. Các công ty này độc lập, đánh giá minh bạch, xếp hạng tín nhiệm DN để làm cơ sở cho nhà đầu tư tham khảo. Đồng thời, công ty tư vấn phát hành trái phiếu là công ty chứng khoán nên được bổ sung trách nhiệm giám sát quá trình quản lý tài sản đảm bảo. Cùng với đó, tôi tin rằng nếu tập trung hơn vào việc giám sát mục đích sử dụng vốn của tổ chức phát hành thì quá trình phát hành sẽ chắc chắn hơn, các bên sẽ phối hợp và giám sát lẫn nhau./.
Minh Ngọc