In bài viết

Đồng Tháp: Cá lau kiếng phát tán ra ngoài môi trường tự nhiên có nguy cơ làm mất cân bằng sinh thái

Mặc dù năm 2010 là lũ nhỏ, nhưng khắp vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), nơi nào có nước đều xuất hiện cá lau kiếng. Có nơi cá lau kiếng được người dân đánh bắt nhiều hơn các loại cá khác.

15/11/2010 16:52
Được biết, trước đây cá lau kiếng được người nuôi cá cảnh mang về nuôi chung với cá cảnh để chúng ăn rong rêu, cặn bã trong hồ. Qua nhiều đường khác nhau, cá được phát tán ra ngoài môi trường tự nhiên và hiện tại có rất nhiều trên các ao, hồ, sông, kênh, rạch ở các địa phương trong khắp vùng ĐBSCL. Nhiều người dân chuyên nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết, thường ngày người chài cá (một loại ngư cụ) trên sông, trước đây mỗi lần gỡ chài có nhiều cá linh, cá rô, cá sặc, còn giờ thì đa số là cá lau kiếng. Trong 3kg cá bắt được thì cá lau kiếng khoảng 2kg, loại cá này mang ra chợ bán rất ít khi có người mua. Ông Nguyễn Văn Hải - xã Tân Khánh Trung , huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) làm nghề đánh bắt cá trên sông Tiền cho biết: Loại cá này sao giờ gặp quá nhiều, chúng có ngạnh nên khi bám vào lưới rất khó gỡ, có lần cá loại này dính nhiều, tôi cuộn lưới đem về phơi vì không gỡ nổi, loại cá này mang ra chợ không có người mua. Anh Nguyễn Văn Ý, ấp Mỹ Tây, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười đã bị cá lau kiếng gây thiệt hại trong ao nuôi cá của mình. Anh cho biết: Loài cá này có thể sống trong môi trường nước tù đọng, chỉ cần một vũng nước nhỏ là chúng có thể sống mùa này qua mùa khác, khi chúng ở trong ao thì lấn lướt mấy loại cá khác, hút nhớt, làm những con cá khác sống èo uột không phát triển, làm cá bị chết và ăn luôn cả xác cá chết. Bắt được cá lau kiếng không bán được ở chợ nên người dân đổ trở lại sông. Việc này làm cho cá tiếp tục phát tán sinh sôi ngoài tự nhiên. Còn người dân chuyên làm nghề chất chà nhử cá trên sông Tiền, sông Hậu cho biết, cá lau kiếng đã xuất hiện từ nhiều năm nay và mỗi ngày một nhiều thêm. Những đóng chà chất trên sông nếu cá lau kiếng bám vào thì coi như không có loại cá nào sống được ở đây, khi đến kỳ bao lưới dở chà, gặp cá lau kiếng là coi như mất trắng, chủ chà phải lỗ tiền chi phí mướn nhân công; số cá lau kiếng bắt được cho vào bao tải buộc miệng bao rồi thả lại xuống sông cho cá chết, chứ đem ra chợ bán không ai mua lại thêm lỗ chi phí. Có một số nơi có người mua cá lau kiếng với giá́ rẻ đem về lấy thịt làm chả cá để bán, nhưng khi phát hiện chả làm từ cá lau kiếng thì bị người tiêu dùng tẩy chay.
Theo Chi Cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp thì cá lau kiếng thuộc loại cá cảnh sau khi phát tán ra môi trường, chúng dễ thích nghi với môi trường sông nước. Cá có khả năng sinh sản quanh năm, tỷ lệ cá con sống khoảng 70% và có thể sống mà không cần đến thức ăn suốt 1 tháng. Điều đáng lo ngại là cá lau kiếng mẹ hay cá lau kiếng con đều có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển. Nếu các loài cá khác có khả năng thích nghi kém sẽ chết. Nguy hiểm hơn do cá thích nghi mạnh nên chúng lấn át sinh vật bản địa, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái. Theo kỹ sư Lê Hoàng Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp thì sau thời gian phát tán ra tự nhiên, hiện cá lau kiếng đang trở thành loài có nguy cơ xâm hại các loài cá khác ở cùng một môi trường sống. Đây là loài cá không mang lại giá trị kinh tế, đang có chiều hướng tăng nhanh trên các sông rạch trong thời gian gần đây.
Trên thực tế, cá lau kiếng đang là một vấn nạn đối với người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở vùng ĐBSCL do loài cá này phát triển rất nhanh trên khắp vùng và ở cả mọi môi trường nước. Chúng không kém gì loài ốc bươu vàng sản sinh và phát tán nhanh để phá hại cây trồng. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, hiện nay chưa có giải pháp nào để ngăn chặn sự xâm hại của cá lau kiếng nói riêng và các loại sinh vật ngoại lai nói chung, nhưng trước mắt Chi cục khuyến cáo người dân không nên phát tán cá lau kiếng ra ngoài thị trường, khi đánh bắt được cá nầy nên mang đi tiêu thụ hoặc tiêu hủy.

Nguyễn Thi