Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư trở lại thị trường mạnh mẽ, thể hiện qua mức tăng rất mạnh, gần gấp đôi so với ngày cuối năm 2022, đạt trên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng nhóm năng lượng, giá trị giao dịch đã đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm tới 58% tổng dòng tiền kể trên. Điều này tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của các mặt hàng năng lượng, đặc biệt là dầu thô, đối với nhà đầu tư Việt Nam.
Các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm giá
Thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ ở phiên giao dịch đầu tiên sau đợt nghỉ lễ đầu năm mới. Lực bán cũng chiếm ưu thế đối với ngô và giá đóng cửa với mức giảm hơn 1%. Mặc dù nhu cầu ngô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn được kỳ vọng sẽ gia tăng nhưng áp lực cạnh tranh từ nguồn cung Nam Mỹ đã khiến cho giá suy yếu trở lại.
Trong khi đó, lúa mì cũng ghi nhận mức giảm mạnh tới hơn 2% ở phiên hôm qua. Nguồn cung nới lỏng là nguyên nhân chính lý giải cho áp lực bán tháo đối với mặt hàng này.
Theo báo cáo từ Ủy ban châu Âu (EU Commission), xuất khẩu lúa mì mềm tính từ đầu niên vụ đến nay của khối đã đạt mức 16,71 triệu tấn, cao hơn 5,8% so với cùng kì năm ngoái. Nguồn cung nới lỏng hơn sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá lúa mì.
Cùng chung diễn biến, giá cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Giá đậu tương đã sụt giảm hơn 2% sau 5 phiên tăng giá liên tiếp. Từ khi mở cửa, lực bán đối với đậu tương đã chiếm ưu thế và đà giảm được duy trì đến cuối phiên. Những cải thiện về vụ mùa của Brazil là nguyên nhân khiến giá chịu ép.
Dầu thô thế giới lao dốc 4%
Giá dầu lao dốc trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 do sức ép từ các yếu tố vĩ mô và triển vọng kinh tế toàn cầu. Kết thúc phiên ngày 3/1, giá dầu thô WTI giảm 4,15% về 76,93 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 4,43% về 82,1 USD/thùng.
Giá dầu đi ngang trong phần lớn thời gian của ngày khi mà các nhà đầu tư thận trọng cân nhắc các số liệu kinh tế của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thị trường cũng phản ánh những lo ngại về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, khi nước này vẫn phải gồng mình để chống chọi với số ca nhiễm đang tăng hàng ngày. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu (xăng, dầu diesel) trong đợt đầu tiên của năm 2023 lên 18,99 triệu tấn, cao hơn 46% so với mức 13 triệu tấn được phân bổ một năm trước đó.
Nhiều nhà phân tích cho rằng động thái tăng xuất khẩu của Trung Quốc đang cho thấy kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ tiếp tục kém đi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hạn ngạch có thể khuyến khích các nhà máy lọc dầu tại quốc gia này tăng công suất và duy trì xuất khẩu nhiên liệu ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm, giảm thiểu tác động của việc cắt giảm xuất khẩu dầu diesel của Nga khi lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu có hiệu lực vào tháng Hai.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)