Tuy nhiên, dòng tiền đến thị trường được gia tăng mạnh mẽ trong ngày hôm qua, nhờ ưu thế của thị trường giao dịch T0, nhà đầu tư vẫn có thể có lời ngay cả khi giá giảm. Chốt ngày, giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 5.200 tỷ đồng, tăng vọt hơn 50%.
Đà giảm mạnh của giá dầu trong phiên giao dịch ngày 25/5 đã xoá bỏ hoàn toàn mức tăng tích luỹ trong 3 phiên giao dịch trước đó. Cuộc đàm phán trần nợ công Mỹ vẫn chưa đi đến thỏa thuận, tiếp tục ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch sản lượng trong cuộc họp tháng 6, trái với lo ngại cắt giảm thêm, đã đồng thời thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Giá dầu WTI chốt phiên ở mức 71,83 USD/thùng sau khi giảm 3,38% và dầu Brent giảm 2,62% xuống 76,18 USD/thùng.
Các nhà sản xuất hàng đầu của OPEC+ đã đưa ra một loạt thông điệp trái ngược nhau về các động thái chính sách sản xuất dầu, khiến việc dự đoán kết quả của cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+ trở nên đặc biệt khó khăn.
Nhu cầu khả quan hơn khi Mỹ bước vào mùa tiêu thụ cao điểm sẽ hạn chế đà suy yếu mạnh của giá dầu, nhất là khi tồn kho xăng của nước này đang ở mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm kể từ 2014.
Tuy nhiên, dự báo của Ngân hàng UBS cho rằng nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ mặc dù gia tăng trong kỳ Hè này, nhưng giá xăng sẽ thấp hơn mức giá trung bình 4,34 USD/gallon kể từ Ngày Tưởng niệm (29/05) vào năm 2022, phản ảnh tiêu thụ yếu hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Trong khi đó, các nhà đầu tư tiếp tục bán trái phiếu, kéo lợi suất tăng cao và nắm giữ đồng USD với tính thanh khoản tốt làm tài sản trú ẩn. Chỉ số Dollar Index tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 đã gây áp lực tới chi phí mua dầu.
Cà phê Arabica dẫn đầu đà suy yếu của thị trường nguyên liệu công nghiệp, với mức giảm gần 3% khi thị trường đón nhận thêm thông tin về triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 tại Brazil.
Cơ quan Cung ứng mùa vụ Chính phủ Brazil (Conab) đã tăng ước tính sản lượng Arabica trong năm 2023 tại Brazil từ 37,43 triệu bao trong báo cáo khảo sát mùa vụ lần thứ nhất lên 37,93 triệu bao trong báo cáo mới nhất, tương đương mức cao hơn 16% so với sản lượng năm 2022. Trong khi đó, cà phê Robusta chỉ suy yếu nhẹ dưới 1%.
Cùng chung diễn biến với giá thế giới, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ quay đầu giảm khoảng 400 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua cà phê trong nước dao động trong khoảng 60.100 – 60.600 đồng/kg. Có thể thấy, giá cà phê nội địa vẫn rất vững vàng trên vùng 60.000. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thu mua đã tăng vọt đến 48% do nguồn cung trong nước liên tục cho thấy tín hiệu sụt giảm. Dự báo xuất khẩu trong niên vụ 2023/24 sẽ xuống mức thấp nhất trong 3 niên vụ gần nhất, kết hợp với việc chi phí sản xuất tăng cao, giá cà phê Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trên vùng giá cao.