Tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng các vi phạm pháp luật trong mua, bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) đang diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội và vi phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động.
Vỏ bọc "tạm nhập tái xuất"
Theo phân tích của lực lượng Hải quan, tạm nhập tái xuất là việc thương nhân Việt Nam mua hàng của một nước để bán cho một nước khác, có làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào và xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam. Việc buôn bán các hàng cấm dưới dạng tạm nhập tái xuất được các đối tượng coi là "thuận lợi" nhất bởi đây thường là hàng, không bị kiểm tra nghiêm ngặt, không phải nộp thuế vì Việt Nam chỉ làm hợp đồng trung chuyển sang nước thứ 3.
Ước tính, mỗi kg ngà voi ở Việt Nam có giá 5.000 - 7.000 USD, còn ở một số nước khác mỗi đôi ngà voi có giá 40.000 - 50.000 USD. Vì thế mà việc buôn bán ngà voi, tê tê… chỉ cần trót lọt vài vụ, mức thu lời sẽ là "siêu lợi nhuận". Đây cũng là lý do chính mà mặt hàng cấm này vào cảng Hải Phòng ồ ạt và thủ đoạn ngày càng tinh vi…
Năm 2010, Hải quan Hải Phòng liên tiếp phát hiện, bắt giữ 4 vụ nhập lậu ngà voi dưới vỏ bọc “tạm nhập tái suất”. Cụ thể, trong tháng 5/2010, Chi cục Hải quan Cảng phát hiện 2.194,2kg cất giấu trong lô hàng rong biển khô, có hành trình từ châu Phi đi Singapore rồi về Hải Phòng. Tiếp đó, Hải quan khu vực 3 lại phát hiện trong lô hàng rau câu khô do 1 chi nhánh Cty CP tại Hải Phòng mở tờ khai đã cất giấu 1.518,43 kg ngà voi thuộc hàng tạm nhập tái xuất. Khoảng 2 tuần sau, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện liền 2 vụ, gồm 370 kg ngà voi cất giấu trong lô hàng 1 container vỏ ốc và 1.245,6 kg trong lô hàng rong biển khô. Cả 2 vụ này, đối tượng vẫn sử dụng chiêu bài "tạm nhập tái xuất", đưa ngà voi vào Hải Phòng để xuất sang nước thứ 3.
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2005 đến nay cơ quan này đã phát hiện 14 vụ nhập khẩu trái phép ĐVHD tại cảng Hải Phòng, thu giữ 13,5 tấn ngà voi, hơn 30 tấn thịt, vảy, mai rùa... Thực tế, các vụ nhập lậu hàng cấm mà Hải quan Hải Phòng phát hiện bắt giữ năm 2010 đến nay cho thấy, các đối tượng buôn bán luôn tìm cách xóa dấu vết, nguồn gốc của lô hàng. Lật lại hồ sơ các vụ thì thủ đoạn thường là cho hàng quá cảnh qua nhiều nước, tập kết một nơi nào đó trước khi vận chuyển vào châu Á rồi sang Việt Nam.
Thêm vào đó, những lô ngà voi, tê tê đông lạnh, vẩy tê tê rất hay được cất giấu, ngụy trang bằng cách bọc trong các bao tải chứa rong biển, rau câu khô, vỏ ốc, hoặc nếu lô hàng đó là gỗ thì chúng đưa vào lõi đóng kín như lô hàng gỗ nguyên vẹn chứ không phải hàng hóa khác. Cơ quan hải quan sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới phát hiện đó là ngà voi, vẩy tê tê nhập lậu. Vì chưa có máy soi container nên chủ yếu lực lượng hải quan chỉ phát hiện được bằng kinh nghiệm và nguồn tin từ nước ngoài.
Phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm khoảng 10%
Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cho thấy, các loài ĐVHD bị buôn bán bất hợp pháp gồm đủ các loại, từ rắn, kỳ đà, rùa, hổ, báo, gấu, sơn dương... Trong đó, thú rừng chiếm khoảng 20%, rắn 45%, rùa 30%, chim 3%, còn lại là các loài thú khác. Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Khả Hồng, Phó Trưởng phòng 3 – C49, số vụ buôn bán trái phép bị phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm khoảng 10% tổng số vụ buôn bán trong thực tế. Thượng tá Hồng cảnh báo, nếu tình trạng này không được ngăn chặn, Việt Nam có nguy cơ mất mát không thể thay thế về ĐDSH, loài ĐVHD và các hệ sinh thái ở địa phương, ảnh hưởng lớn đến du lịch sinh thái, du lịch biển và bảo tồn.
Hàng năm, có khoảng 4.000 đến 4.500 tấn động vật hoang dã buôn bán vận chuyển bất hợp pháp từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nhiều người trở nên giàu có từ việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Pờ I (Kon Tum), Lộc Ninh (từ Campuchia sang)...
Mới đây nhất vào tháng 4/2011, Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP.Móng Cái phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Hùng Vương, ở thôn 7, phường Hải Yên (TP. Móng Cái) phát hiện trong kho có 122 chiếc ngà, nghi là ngà voi. Qua kiểm tra số ngà, có 50 chiếc còn nguyên vẹn và 144 đoạn ngà cắt thành từng đoạn với tổng số là 122 chiếc. Số ngà trên đã được niêm phong và gửi mẫu đi trưng cầu giám định.
Theo Thiếu tá La Trung Kiên, Phó Trưởng phòng PC49 Lạng Sơn, từ năm 2007 đến nay, PC49 phối hợp với công an tỉnh phát hiện 33 vụ vi phạm pháp luật về buôn bán vận chuyển ĐVHD, thu giữ 130 cá thể khỉ đuôi dài, 296 chim iểng, 122,5kg rắn các loại, 180 chiếc sừng hươu, 49 bộ da trăn.... Các vụ vi phạm trong thời gian qua hầu hết đều chỉ xử lý hành chính, một số vụ việc số lượng tang vật thu giữ đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không chứng minh được các đối tượng, đến nay mới khởi tố điều tra 1 vụ đề nghị truy tố 1 đối tượng.
Xuân Hợp