Ngành giáo dục đang nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ đạt chuẩn về trình độ đào tạo mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học. |
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chính thức được triển khai trên cả nước đối với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021 và sẽ tiến hành với lớp 2 và lớp 6 vào năm học 2021-2022. Chương trình GDPT 2018 được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Ngành giáo dục đang nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ đạt chuẩn về trình độ đào tạo mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Điểm mới trong công tác bồi dưỡng hiện nay vận hành mô hình bồi dưỡng mới, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Cụ thể là bồi dưỡng đội ngũ cốt cán theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến bởi giảng viên sư phạm chủ chốt. Đội ngũ này hỗ trợ giáo viên đại trà ngay tại chỗ, trong công việc, giáo viên tự học qua mạng, trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS).
Sẽ có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được tập huấn, bồi dưỡng. Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm chủ chốt sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng của khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Thời gian qua, nhiều Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn, các trường học chú trọng lựa chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các cấp (tỉnh, huyện, cụm trường, trường) có trình độ chuyên môn tốt, tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT, bám sát thực tiễn.
Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) đã phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT phát triển Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông các cấp học phổ thông theo hướng tiếp cận với chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên, đồng thời lựa chọn và bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP cho biết, mục tiêu cốt lõi của chương trình là bồi dưỡng thường xuyên, phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông bằng một mạng lưới hỗ trợ giáo viên và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông tự bồi dưỡng là đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.
Hình thức bồi dưỡng được đổi mới bằng ứng dụng công nghệ thông tin, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ, thông qua Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) và Hệ thống thông tin quản lý đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (TEMIS).
TS. Lê Quang Vượng, Trường Đại học Vinh cho biết, Trường Đại học Vinh có thuận lợi là đào tạo giáo viên cốt cán ngay tại trường và phụ trách 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh. “Kinh nghiệm của chúng tôi là bố trí giảng viên nhiều kinh nghiệm tập huấn kỹ cho giảng viên sư phạm trước khi đào tạo cho giáo viên cốt cán, phân các lớp theo đúng chuyên môn, đúng cấp học nên có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, phải có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin để cho giáo viên phổ thông cốt cán thực hiện được các buổi tập huấn theo phương pháp mới”, ông Vượng chia sẻ.
Một trong những lợi ích mang lại của mô hình bồi dưỡng mới, đó chính là kết nối được cộng đồng giáo viên. Theo TS. Lê Quang Vượng, Chương trình ETEP là chương trình đặc biệt, tạo ra được sự kết nối chặt chẽ giữa các trường sư phạm, đội ngũ giảng viên cốt cán với trường phổ thông và đội ngũ giáo viên phổ thông. Trước những sự đổi mới trong giáo dục phổ thông, giáo viên phổ thông sẽ được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất với các chuyên gia, các giảng viên sư phạm. Ngược lại, các giảng viên sư phạm có cơ hội tiếp cận với sự thay đổi của thực tiễn; Biến cơ sở lý thuyết của mình vào ứng dụng trong thực tiễn và mang lại hiệu quả tốt hơn cho công việc đổi mới giáo dục phổ thông.
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh: Đối tượng đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là những giáo viên phổ thông và những người sau này sẽ trở thành giáo viên. Chính vì vậy, để Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có bức tranh tổng thể về nhu cầu đào tạo cũng như có căn cứ để phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của nhà trường và xã hội, sự gắn kết giữa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và các trường phổ thông và giáo viên phổ thông là tất yếu và hết sức cần thiết. Thông qua Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có nhiều cơ hội hơn để có được sự gắn kết này. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng hiểu thêm được nhu cầu của giáo viên trong việc đào tạo, bồi dưỡng để làm thế nào thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới.
Trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cho chương trình GDPT mới, việc thiết lập đội ngũ giáo viên cốt cán được xem là điểm mới, mang tính đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mà Bộ GD&ĐT đang triển khai thông qua Chương trình ETEP.
Đội ngũ giáo viên cốt cán là những giáo viên có chuyên môn, phẩm chất tốt, có nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp trong trường, cụm trường, hỗ trợ đồng nghiệp, trong quá trình tự học qua mạng với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt.
Trong quá trình hỗ trợ giáo viên đại trà, giáo viên cốt cán cùng chia sẻ kiến thức, học hỏi từ chính đồng nghiệp của mình, thu nạp kiến thức, phát triển nghề nghiệp.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Nội dung bồi dưỡng giáo viên, tập trung vào phát triển chuyên môn nghiệp vụ như sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; tư vấn hỗ trợ học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, giảng dạy. Nội dung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tập trung vào tăng cường năng lực quản trị nhà trường, như quản trị nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, quản trị chất lượng giáo dục.
Nhật Nam