Về kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình, phương án xếp hạng cao nhất có bắt buộc phải sử dụng để tổ chức lập dự án hay có thể chỉ là cơ sở để tham khảo nhằm nghiên cứu trong quá trình lập dự án? Trường hợp nào thì có thể sử dụng các phương án thi tuyển khác?
Về thi tuyển hạn chế, Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP quy định “Thi tuyển hạn chế là hình thức tổ chức cuộc thi được áp dụng trong trường hợp chỉ có một số tổ chức, cá nhân tham gia thi tuyển (nhưng không dưới 3 tổ chức, cá nhân) đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hoặc tính đặc thù của công trình thi tuyển phương án kiến trúc”.
Ông Linh đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội hàm và tiêu chí xác định yếu tố “chỉ có một số tổ chức, cá nhân tham gia thi tuyển đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật” và “tính đặc thù của công trình thi tuyển phương án kiến trúc” để tránh việc áp dụng thi tuyển hạn chế không đúng quy định, làm giảm cơ hội lựa chọn được phương án tối ưu.
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Về thời điểm thi tuyển phương án kiến trúc công trình, chủ đầu tư căn cứ Khoản 2 Điều 17 Luật Kiến trúc tổ chức rà soát, đánh giá các công trình phải thi tuyển để đề xuất trong chủ trương đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Người có thẩm quyền quyết định đầu tư căn cứ Khoản 4 Điều 17 Luật Kiến trúc quyết định hình thức thi tuyển.
Phương án kiến trúc trúng tuyển để thực hiện các bước tiếp theo của dự án là phương án xếp hạng cao nhất và đáp ứng tiêu chí của quy chế thi tuyển, quy định tại Khoản 6 Điều 17 Luật Kiến trúc.
Việc sử dụng các phương án thi tuyển khác để tham khảo phương án nhằm nghiên cứu trong quá trình lập dự án cần thực hiện theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Việc thi tuyển hạn chế thực hiện theo Điều 16 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc và phù hợp với Điều 21 Luật Đấu thầu, các văn bản pháp luật liên quan.