![]() |
Một vùng bờ biển Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận - địa điểm dự kiến xây dựng một trong hai nhà máy điện hạt nhân. |
Nếu Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án bước sang giai đoạn lập dự án đầu tư, các vấn đề sẽ được làm rõ hơn.
Về vấn đề lựa chọn công nghệ, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Trong Báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất công nghệ thế hệ thứ 2 trở lên (có nghĩa có thể là thế hệ thứ 3 hoặc 3 ), nhưng dù công nghệ nào cũng phải đảm bảo những yêu cầu như đã nói ở trên.
Sau khi Dự án được Quốc hội thông qua, cơ quan tư vấn sẽ kết hợp với tư vấn nước ngoài lựa chọn công nghệ cụ thể và báo cáo Quốc hội.
Lựa chọn địa điểm theo 34 tiêu chí
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng khẳng định, việc lựa chọn địa điểm nhà máy đã được triển khai trong thời gian rất dài, căn cứ trên các tiêu chí của Tổ chức năng lượng quốc tế (IAEA), căn cứ vào kinh nghiệm thực tế của các nước đã có điện hạt nhân và điều kiện cụ thể của Việt Nam.
"Chúng ta có khoảng 34 tiêu chí để lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Sau khi so sánh đối chiếu, có 8 địa điểm phù hợp, trong đó ưu việt nhất là 2 địa điểm tại Ninh Thuận", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Cũng có nhiều ý kiến đề nghị trong giai đoạn 2014-2022 chỉ cần xây dựng một nhà máy trước để thí điểm thay vì triển khai xây dựng ngay hai nhà máy. Bộ trưởng cho rằng, xem xét điều này cần xuất phát từ bài toán cân bằng năng lượng. Theo tính toán, tới năm 2020 tình hình thiếu điện ở Việt Nam sẽ rất nghiêm trọng, đó là lý do đề xuất triển khai đầu tư xây dựng hai nhà máy với công suất 4.000 MW.
Đồng tình với các ý kiến của một số đại biểu rằng trước mắt ta nên đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn nằng lượng tái tạo mới, Bộ trưởng khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai 2 đề tài nghiên cứu về sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm sạch. Trong kế hoạch, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 1.000MW điện từ năng lượng mặt trời và gió.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ rõ, về lý thuyết, chúng ta có thể tiết kiệm được 20% năng lượng đang sử dụng (chủ yếu là điện), nhưng để làm được điều này phải có quá trình, không thể ngày một ngày hai. Hơn nữa, năng lượng tái tạo cũng không phải vô hạn, chẳng hạn với năng lượng gió, chúng ta chỉ huy động được khoảng 2.000 giờ/năm.
Liên quan tới băn khoăn của một số đại biểu trước việc cung cấp thanh nhiên liệu và nguồn vốn đầu tư cho dự án, Bộ trưởng cho biết: Một trong những điều kiện mà Chính phủ chỉ đạo kiên quyết nhất để chúng ta đàm phán là nhà cung cấp thiết bị phải cam kết đáp ứng dài hạn thanh nhiên liệu hạt nhân và cam kết cho vay nguồn vốn.
Hơn nữa, để chủ động hơn, chúng ta cũng triển khai việc nghiên cứu sản xuất thanh nhiên liệu trong nước, trước mắt đang đẩy mạnh thăm dò, đánh giá trữ lượng urani ở Nông Sơn- Quảng Nam.
Về các khung pháp lý, Bộ trưởng cho hay, hiện Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Năng lượng Nguyên tử đã được các Bộ lấy ý kiến và hoàn chỉnh lần cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa hoc Công nghệ cũng đã ban hành Thông tư về tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy.
Về các tiêu chuẩn quy phạm đối với nhà máy điện hạt nhân, Bộ trưởng cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép nghiên cứu, lựa chọn, sử dụng tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới để áp dụng tại Việt Nam.
Dự án ĐHN Ninh Thuận do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, bao gồm 2 nhà máy đều có vị trí nằm ven biển. Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Hai nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam có tổng công suất 4.000 MW. Mỗi nhà máy có diện tích trong hàng rào là 400 ha. |
Quỳnh Hoa