Dự án ĐZ 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn là công trình điện quan trọng nằm trong Chiến lược phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (Quy hoạch điện VII), bao gồm ĐZ 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn và Trạm biến áp (TBA) 220 kV Lạng Sơn – TBA 220 kV đầu tiên được xây dựng tại địa phương này. Dự án do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đại diện chủ đầu tư, quản lý dự án với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải tỉnh Lạng Sơn và các khu vực lân cận, tạo liên kết lưới truyền tải trong khu vực, tăng cường độ an toàn, tin cậy cung cấp điện cho miền Bắc.
Theo kế hoạch ban đầu, công trình phải hoàn thành cuối năm 2019, tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cùng với khó khăn về giải phóng mặt bằng, đến nay trải qua 5 năm triển khai nhưng vẫn chưa thể hoàn thành, nguy cơ vỡ tiến độ là hiện hữu nếu chính quyền địa phương các cấp nơi dự án đi qua không quyết liệt vào cuộc để đáp ứng thời hạn chót là cuối năm 2022.
Dự án ĐZ 220kV Bắc Giang – Lạng Sơn có tổng mức đầu tư hơn 816,4 tỷ đồng, gồm xây dựng mới ĐZ 220kV có chiều dài toàn tuyến 101,6km, từ TBA 220kV Bắc Giang hiện hữu đến TBA 220kV Lạng Sơn đang được xây dựng mới; được khởi công từ ngày 10/12/2017, dự kiến hoàn thành quý IV/2022.
Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT – GPMB), hiện mới bàn giao 233/236 vị trí; bàn giao hành lang tuyến 152/236 khoảng cột (48/80 khoảng néo).
Quá trình thực hiện dự án, CPMB luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT, nhất là sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương các cấp có ĐZ đi qua thuộc 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.
Tuy nhiên, dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu BT – GPMB, cụ thể, nhiều đoạn tuyến phải điều chỉnh thiết kế do ảnh hưởng chồng lấn với đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng hồ sơ đo đạc sai sót do các hộ dân mua bán sang tay, tách thửa làm thay đổi diện tích, thay đổi chủ sử dụng nên phải điều chỉnh hồ sơ trích đo nhiều lần; công tác xác định, xét duyệt nguồn gốc đất cho các hộ dân để thực hiện thu hồi, BT - GPMB còn nhiều vướng mắc.
Cùng với đó thủ tục xây dựng, thẩm định phê duyệt giá đất cụ thể để lập phương án bồi thường mất rất nhiều thời gian. Theo báo cáo của CPMB, đến nay, hầu hết các hộ dân có nhà, công trình bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến không đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng,vì lo lắng đến vấn đề sức khoẻ khi sống dưới hành lang đường điện cao thế. Các hộ này yêu cầu được bồi thường, bố trí tái định cư để di dời ra ngoài hành lang.
Sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc phê duyệt các thủ tục BT - GPMB, bố trí nhân lực, thời gian để thực hiện công tác này và đặc biệt là việc thuyết phục người dân chấp hành chính sách pháp luật về BT – GPMB một số thời điểm còn chưa đáp ứng.
Đáng chú ý là tồn tại vướng mắc kéo dài đối với 2 vị trí móng 75 và 86 do các hộ dân không hợp tác giải quyết công tác bồi thường; không xác định được ranh giới khu đất đã quy hoạch cho nhiệm vụ quốc phòng và vị trí đặt cột tại vị trí 176; gây cản trở không cho thi công lắp dựng cột tại vị trí 211.
Theo ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, CPMB đã cử cán bộ thường xuyên có mặt phối hợp với địa phương tuyên truyền, tháo gỡ vướng mắc và BT – GPMB cho người dân.
Đối với những trường hợp cụ thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết, với 5 hộ dân trên địa bàn xã Bảo Sơn, huyện đang rà soát hồ sơ pháp lý, nếu các hộ dân tiếp tục không đồng thuận thì sẽ tiến hành bảo vệ thi công theo đúng quy định pháp luật vào đầu tháng 11/2022.
Huyện Lục Nam đang tập trung cao độ và cam kết sẽ giải quyết, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ.
Ông Phạm Văn Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện có 68 vị trí cột, đã bàn giao 66 vị trí móng, còn 2 vị trí móng do liên quan quy hoạch đất, chưa bàn giao được.
Phần hành lang tuyến ảnh hưởng đến trên 500 hộ dân, hiện mới bàn giao 19/27 khoảng néo. UBND tỉnh Lạng Sơn đang tập trung chỉ đạo trong tháng 10 này phải bàn giao toàn bộ khoảng néo cho chủ đầu tư để kéo dây.
Theo chỉ đạo, chính quyền sẽ quyết liệt đối với nhứng trường hợp đã tuyên truyền, vận động, đền bù đầy đủ theo đúng mà vẫn không đồng thuận thì sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế, bảo vệ khoảng néo thi công, phấn đấu đến hết ngày 4/11 sẽ bàn giao xong mặt bằng cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Điện lực LICOGI 16 - đơn vị thi công dự án, khi nhận thi công cách đây 5 năm, lúc đó, thành phố Lạng Sơn bị cắt điện luân phiên. Đơn vị cho rằng, với việc thiếu điện như vậy và đây cũng là TBA 220 kV đầu tiên của tỉnh, hy vọng địa phương sẽ tạo thuận lợi, ủng hộ công tác GPMB.
"Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện dự án này chưa thấy ở đâu khó như ở đây, công trình triển khai suốt 5 năm rồi mà bây giờ vẫn đang thực hiện GPMB", đại diện LICOGI 16 cho biết
Từ nay đến thời điểm ngày 15/12/2022 phải đóng điện công trình thời gian không còn nhiều, do đó các bên phải tích cực vào cuộc, khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, tập trung nhân lực, phương tiện thi công, phối hợp tích cực với chính quyền địa phương các cấp hoàn thành công tác BT – GPMB.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Điện lực LICOGI 16 cho biết, mặc dù có 33 khoảng kéo dây, nhưng mới giao được 11 khoảng và những khoảng đó vẫn còn những sai sót, chưa hoàn thiện; hy vọng thời gian tới, các địa phương sẽ tập trung triển khai giải phóng mặt bằng để các đơn vị thi công có mặt bằng xây dựng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thái Bình Dương - đơn vị thi công dự án chia sẻ, trên toàn tuyến đường dây, nhiều đoạn giao chéo người dân chưa đồng tình trong giải phóng mặt bằng.
Từ thực tế này, ông Hải kiến nghị chính quyền các địa phương và chủ đầu tư cần giải quyết vấn đề này nhanh chóng; công ty bảo đảm sẽ huy động tối đa nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công.
Lãnh đạo DN này chia sẻ, công trình này đã kéo dài 5 năm, giá vật tư đến nay tăng rất nhiều, gây rất nhiều khó khăn cho nhà thầu nhưng vì lợi ích chung đơn vị phải cố gắng khắc phục, tăng cường tối đa nhân lực với 170 công nhân, chia thành 9 tổ thi công để bảo đảm tiến độ, quyết tâm hoàn thành dự án
Theo ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc CPMB, dự án ĐZ 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn vay vốn ODA của Ngân hàng Tái Thiết Đức (KfW); đã gia hạn giải ngân 2 lần và cần hoàn thành các thủ tục nghiệm thu trước ngày 31/12/2022.
Do đó, EVN và EVNNPTT cùng các nhà thầu đặt mục tiêu hoàn thành dự án ngày 15/12, còn 15 ngày để hoàn thiện các thủ tục giải ngân vốn. Đối với vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, CPMB sẽ tích cực làm việc với địa phương để tuyên truyền vận động người dân.
Vừa qua, chính quyền địa phương các tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt và Ban Quản lý dự án cũng đồng hành với địa phương giải quyết vướng mắc, tháo gỡ mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công.
Để đảm bảo tiến độ, đơn vị cùng nhà thầu thi công, tư vấn giám sát sẽ thành lập tổ công tác thường xuyên trao đổi, lập tiến độ chi tiết các công việc chưa hoàn thành, bám sát công trường để đôn đốc giám sát, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, bàn giao mặt bằng các vị trí móng còn lại và hành lang tuyến theo kế hoạch cho các nhà thầu xây lắp.
Cùng với đó, CPMB và các đơn vị sẽ huy động tối đa nhân lực, có mặt bằng đến đâu làm nhanh đến đó, sau đó tiến hành nghiệm thu. Lãnh đạo các đơn vị thi công cần thường xuyên có mặt trên công trường để chỉ đạo điều hành và xử lý các vướng mắc; huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công đáp ứng các mốc tiến độ theo cam kết.
Vừa qua, tại công trình TBA 220kV Lạng Sơn, CPMB và các đơn vị nhà thầu đã tổ chức họp kiểm điểm tình hình thực hiện, kế hoạch triển khai thi công các hạng mục công việc còn lại và ký cam kết thi công nước rút 60 ngày đêm (17/10 đến 15/12/2022) hoàn thành toàn bộ dự án Đường dây 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn, đóng điện vào ngày 15/12/2022
Toàn Thắng