In bài viết

Dự án Khu dân cư Thương mại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy (Hậu Giang): Doanh nghiệp ngang nhiên chiếm đất của dân

Công ty Sài Gòn Phố đã chặt phá cây cối hoa màu trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình bà Đỗ Thị Kim Cương, san lấp mặt bằng và làm hợp đồng cho thuê ki ốt

25/08/2011 14:37
Ngày 15/8/2011, đại diện các hộ dân ở xã Vị Đông và xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang (Đỗ Thị Kim Cương, Trần Thị Tuyết, Lê Thiện Điện, Hà Văn Khởi) trực tiếp đến Văn phòng Đại diện khu vực ĐBSCL của báo Tài nguyên & Môi trường, yêu cầu can thiệp về việc Công ty CP Xây dựng Sài Gòn Phố ngang nhiên phá hoại hoa màu, chiếm đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của họ để bán nền trên giấy. Mặc dù họ đã khiếu nại đến chính quyền và khởi kiện ra tòa án nhưng vụ việc đang có dấu hiệu... "chìm xuồng". Thực chất sự việc như thế nào ?
Chiếm đất, phá hoại hoa màu…
Theo xác minh của phóng viên Tài nguyên & Môi trường, ngày 16/12/2010, Công ty CP Xây dựng Sài Gòn Phố (Chi nhánh Hậu Giang) đã điều động nhân công mang cưa, xe ủi, vào diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hộ bà Cương, bà Tuyết tọa lạc tại ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chặt phá hoa màu, san lấp mặt bằng.
Những hộ này rất bức xúc, phản ứng quyết liệt. Hộ bà Cương đã trực tiếp đến UBND xã Vị Thanh khiếu nại nhưng UBND xã Vị Thanh không can thiệp. Vậy nên, ngày 27/6/2011, bà Cương làm đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường dân sự đối với Công ty Sài Gòn Phố gửi đến TAND huyện Vị Thủy. TAND huyện Vị Thủy thụ lý, tiến hành hòa giải nhưng đã 2 lần triệu tập (ngày 14/8/2011 và ngày 19/8/2011) bà Cương khăn gói đến tòa ngồi chờ, còn đại diện phía bị đơn là bà Trần Thị Lệ Hằng (Giám đốc chi nhánh Công ty Sài Gòn Phố), có trụ sở tại số 6, đường Ngô Quốc Trị, Phường V, TP.Vị Thanh (Hậu Giang) thì đều vắng mặt. "Ông Khởi, cán bộ tòa án huyện Vị Thủy nói với tôi là không tìm thấy địa chỉ của bà Hằng. Nhưng thực tế, thời gian này bà Hằng vẫn đang có mặt tại trụ sở" - Bà Cương bức xúc nói.
Cùng với thái độ "bất hợp tác" của Công ty Sài Gòn Phố và sự "phớt lờ" của UBND xã Vị Thanh và biểu hiện "khó hiểu" của TAND huyện Vị Thủy, sáng ngày 21/8/2011, Công ty Sài Gòn Phố tiếp tục điều nhân công, xe ủi ngang nhiên vào phần đất của gia đình bà Cương để san lấp mặt bằng, với ý định đóng cừ để "xây dựng mở rộng chợ cá", khiến gia đình bà Cương phẫn nộ, ngăn chặn rất gay gắt thì phía Công ty Sài Gòn Phố mới chịu… "rút lui".
Bán nền trên giấy: 1m2=từ 3 đến 5 triệu đồng
Không chỉ ngang nhiên đưa nhân công, phương tiện vào phá hoại hoa màu của các hộ dân mà thực chất Công ty Sài Gòn Phố đã chiếm đất bằng việc "xẻ" toàn bộ diện tích 235,5m2 (thể hiện trong GCNQSDĐ là 179,10m2) thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Cương thành nhiều lô ki ốt trên giấy và đã công khai "kêu gọi" các hộ dân xung quanh khu vực chợ Mười Bốn Ngàn đóng tiền đặt cọc để được thuê sau khi xây dựng.
Từ tháng 12/2010, Công ty Sài Gòn Phố đã nhận tiền đặt cọc và đã có ký hợp đồng với khách hàng thuê ki ốt trên giấy, tại vị trí thuộc diện tích đất của gia đình bà Cương. Theo một khách hàng đã ký hợp đồng, đóng tiền đặt cọc (5.000.000đ) vào ngày 28/12/2010, cho Công ty Sài Gòn Phố, để sau này được thuê 1 ki ốt (tại vị trí đất của bà Cương hiện nay), thì: Số tiền đặt cọc này theo lời hứa của Công ty Sài Gòn Phố là sẽ được giành quyền thuê 1 ki ốt sau khi xây dựng xong. Nhưng khi nhận ki ốt vào buôn bán thì phải đóng thêm 30.000.000đ nữa và trong quá trình sử dụng ki ốt thì người thuê sẽ phải tiếp tục đóng tiền hàng tháng cho Công ty (số tiền tháng hiện nay chưa xác định cụ thể).
Cũng như trường hợp của bà Cương, diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Khởi, ông Điện, bà Tuyết cũng đã "được" Công ty Sài Gòn Phố "xẻ" thành nhiều nền nhà phố trên giấy và cũng đã "bị" Công ty này công khai thực hiện các "chiêu" khuyến mại, kêu gọi khách hàng đóng tiền đặt cọc với lời hứa chỉ trong vòng "vài tháng" là sẽ có "nền đẹp, lô A" ngay trung tâm, thuận tiện cho việc buôn bán. Theo họ quảng cáo thì đặt cọc nhiều tiền sẽ được ưu đãi lớn, càng nhanh chân đặt cọc, đặt càng nhiều tiền thì càng sớm được nhận nền đẹp… Ngoài việc hô hào bằng loa truyền thanh của xã, phát tờ rơi, người của công ty còn đến từng nhà rỉ tai rằng sẽ ưu đãi cho nền đẹp. Đặc biệt, Công ty Sài Gòn Phố còn tổ chức quay số trúng thưởng "rùm beng" để kích thích khách hàng "nhanh chân" đăng ký, đặt cọc mua nền.
Hầu hết số nền tại vị trí đất thuộc quyền sử dụng của các hộ bà Cương, bà Tuyết, ông Khởi, ông Điện được "xẻ" trên giấy thực tế đều đã được Công ty Sài Gòn Phố ký hợp đồng chuyển nhượng cho khách hàng từ ngày 27/12/2010. Số tiền của khách hàng đã đặt cọc để được mua 1 nền nhà phố tại Khu dân cư Thương mại xã Vị Thanh sau này, khách hàng phải đặt cọc thấp nhất là 30.000.000đ, nhiều nhất lên tới 300.000.000đ. Những khách hàng đã ký hợp đồng, đặt cọc mua nền cho biết: Giá mua 1 nền có diện tích dao động từ 63m2 đến 87,5m2 tối thiểu là 500.000.000đ.
“Cù cưa” bồi thường: 1m2=nửa ký cá đồng (!)
Thật ra, tất cả các hộ bà Cương, bà Tuyết, ông Khởi, ông Điện đều biết dự án Khu dân cư thương mại được triển khai trên phần đất của mình, họ đồng thuận với việc quy hoạch để xây dựng khu dân cư thương mại tại đây. Thế nhưng họ không chấp nhận giao đất cho Công ty Sài Gòn Phố, vì giá bồi thường về đất theo phương án bồi thường chi tiết do ông Nguyễn Văn Vui, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy ký ngày 03/11/2010 để Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vị Thủy áp dụng bồi thường cho dân quá… "bèo". Theo tính toán: Giá bồi thường về đất tại đây đã được UBND huyện Vị Thủy phê duyệt để áp bồi thường cho các hộ chỉ ở mức bình quân từ 44.000đ đến 120.000đ/1m2, so với giá mà Công ty Sài Gòn Phố đã ký hợp đồng bán nền trên giấy cho khách hàng (từ 3 đến 5 triệu đồng/1m2) cao gấp từ 47 đến trên 100 lần.
Đơn cử, với diện tích 179,1m2 đất mà gia đình bà Cương mua từ ông Trần Văn Cót, cách đây 7 năm (năm 2004), với giá 40 triệu đồng - tương đương 10 lượng vàng 24K, có chứng thực và được cấp Giấy CNQSDĐ hợp pháp. Lúc ấy, vợ chồng bà Cương mới nghỉ việc cơ quan, lại nuôi hai đứa con (một đứa thiểu năng), phải đi vay của tư nhân 30 triệu đồng và vay vốn hỗ trợ người nghèo 10 triệu đồng mới đủ tiền mua. Với hy vọng sẽ có nơi cất nhà, chấm dứt cảnh "ở đậu", sau hơn 7 năm cải tạo, trồng trọt, khi cây cối bắt đầu cho quả thì cũng là lúc vợ chồng bà Cương nhận được thông báo giải tỏa để xây dựng Khu dân cư thương mại xã Vị Thanh. Tại bảng chiết tính chi tiết tổng hợp bồi thường hỗ trợ và tái định cư (ngày 03/11/2010) do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vị Thủy tính toán, thì diện tích 179,1m2 đất của gia đình bà Cương chỉ được áp giá bồi thường là 7.880.400đ - không đủ mua 2 chỉ vàng và cũng không bằng 2 m2 đất mà Công ty Sài Gòn Phố ký hợp đồng bán trên giấy cho khách hàng. Bà Cương, nói "Giá trị 1m2 đất mà UBND huyện áp giá bồi thường, không đủ cho tôi mua nổi nửa ký cá đồng - nói gì đến việc mua mảnh đất tương ứng để mà sinh sống. Với việc áp giá bồi thường rẻ mạt như vậy, chính quyền địa phương đang đẩy những hộ dân như tôi vào cảnh không chốn nương thân".
Cũng trong năm 2004, gia đình ông Khởi, chuyển nhượng phần đất 168m2 từ hộ ông Nguyễn Văn Phòng (ấp 1, xã Vị Thanh) với giá 40 triệu đồng. Giờ đây ông Khởi được tính đền bù 3.901.600đ, với số tiền này ông Khởi không mua nổi 1 chỉ vàng và cũng không mua nỗi 1m2 đất mà Công ty Sài Gòn Phố đã ký hợp đồng bán cho khách hàng. "Với cách áp giá bồi thường như thế này thì gần 200m2 đất của tôi chỉ bằng vài chục con gà"- Ông Khởi chua chát. Bà Tuyết, thì đã mua diện tích 608,6m2 đất tại đây từ hơn 22 năm về trước (năm 1989), với giá 18 lượng vàng 24K, bây giờ cũng chỉ được tính đền bù là 26.778.399đ (tương đương 6 chỉ vàng hiện tại) và cũng chỉ đủ để mua lại khoảng 5m2 đất sau khi giao cho Công ty Sài Gòn Phố. Còn ông Điện, có diện tích 294,1m2 mua từ 11 năm về trước (năm 2000) với giá 8 cây vàng 24K nhưng nay chỉ được tính đền bù là 12.065.400đ (xấp xỉ 2,7 chỉ vàng hiện tại) và cũng chỉ đủ để mua được khoảng hơn 2m2 đất sau khi giao cho Công ty Sài Gòn Phố.
Rõ ràng việc áp giá bồi thường thiệt hại về đất đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi một dự án mang tính kinh doanh có sự chênh lệch đến mức phi lý như thế đã tạo ra mâu thuẫn lớn, khiến các hộ dân không đồng tình, khiếu nại là hoàn toàn có cơ sở. Song, điều đáng chú ý là sự việc này dù đã được công dân khiếu nại nhưng chính quyền và cơ quan chức năng huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã không giải quyết kịp thời.
Nhóm PV pháp luật

Bài 2: Bất chấp quyền sử dụng đất hợp pháp