Ngày 25/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc xây dựng Luật Nhà giáo là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.
Báo cáo về các nội dung cơ bản, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo có bố cục gồm 9 chương, 71 điều quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo. Dự án Luật áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Nêu ý kiến thẩm tra sơ bộ về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo với những lý do được nêu tại Tờ trình số 406 của Chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật này và cho rằng chỉ cần điều chỉnh các luật đang áp dụng cho đối tượng nhà giáo. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Tuy nhiên, còn một số ý kiến băn khoăn về việc đưa nội dung về tôn vinh, khen thưởng vào phạm vi điều chỉnh của Luật này; cho rằng đối tượng áp dụng được quy định ở Điều 2 rất rộng, do đó, cần xác định rõ đối tượng áp dụng cho từng nhóm chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi.
Về nguồn lực bảo đảm thi hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, dự thảo Luật quy định nhiều chính sách liên quan tới nguồn lực, nhất là về tài chính; do vậy, cần đánh giá tác động đầy đủ, dự báo chi tiết về nguồn lực, nhân lực và các điều kiện để bảo đảm tính khả thi.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã bổ sung thêm nhiều chính sách mới đối với nhà giáo, đặc biệt ưu tiên chính sách dân tộc; bảo đảm thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, cụ thể hóa một số quyền của lao động nữ để bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới.
Liên quan đến quyền của nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định quyền nhà giáo chính xác, phù hợp; quy định quyền nhà giáo đặt trong tương quan với quyền của viên chức để không ảnh hưởng tới quyền lợi nhà giáo công lập; việc quy định quyền cần gắn với trách nhiệm, bảo đảm lợi ích của nhà giáo nhưng không ảnh hưởng tới hiệu quả, hiệu lực công tác quản trị nhà trường.
Về chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo. Đồng thời cho rằng cần có chính sách hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo, tuy nhiên cũng cần đánh giá tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách…
Qua nghiên cứu dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Quốc hội đã ban hành cho ngành giáo dục 3 luật lớn. Tại báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nêu rõ hai luồng ý kiến khác nhau về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Luồng ý kiến thứ nhất, cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật, tuy nhiên, cũng còn ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật này.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần viết lại để xây dựng được một dự án Luật điều chỉnh bao trùm các đối tượng nhà giáo trong mọi cấp, mọi ngành, giáo viên ở phổ thông, giảng viên đại học, trường nghề, cũng như trong các lĩnh vực, không có quy định đặc thù với lực lượng vũ trang, an ninh; chú ý phân biệt giữa nhà giáo và nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục.
Nhấn mạnh đây là một dự án Luật mới hoàn toàn với 71 điều, 9 chương, Chủ tịch Quốc hội gợi mở: Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc viết gọn lại, cần nghiên cứu đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành cơ chế, chính sách gì để điều chỉnh với lĩnh vực công, tư, với các nhóm đối tượng. “Luật mới nên phải có quy định mới hoàn toàn, không trùng lặp với các luật khác”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nêu rõ nguyên tắc việc đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì đưa vào quy định trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong quá trình xây dựng dự án Luật Nhà giáo phải tiếp cận thận trọng, có đột phá về chính sách với nhà giáo, nhưng cũng phải đảm bảo không phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra. Đối với dự án Luật Nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về chủ trương xây dựng Luật, tuy nhiên đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo với Chính phủ, tập trung tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ tại Phiên họp sau trên tinh thần thận trọng, nhất quán, đột phá, thiết thực, hiệu quả, đặc biệt phải giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc, tạo điều kiện tốt hơn để phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, xác định rõ đối tượng áp dụng cho từng nhóm chính sách đặc thù để đảm bảo tính khả thi; làm rõ những vấn đề mới, mục tiêu đặt ra, vấn đề đặc thù đủ mạnh… để đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả khi ban hành dự án Luật này.
Liên quan đến các quy định về quyền của nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo, chính sách tiền lương, chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo..., Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật cần thận trọng, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Ngay sau Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra khẩn trương tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp để hoàn thiện dự án Luật, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tới.
Hải Liên