In bài viết

Dự án Luật Phòng thủ dân sự: Bảo đảm không chồng chéo với các luật hiện hành

(Chinhphu.vn) – Họp phiên toàn thể tại Hội trường vào chiều 9/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

09/11/2022 19:03
Dự án Luật Phòng thủ dân sự: Bảo đảm không chồng chéo với các luật hiện hành - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao.

Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh, bố cục của dự thảo Luật; đối tượng áp dụng; cơ sở pháp lý; chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; lực lượng phòng thủ dân sự; hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự; các hành vi bị nghiêm cấm;…

Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến nội dung xây dựng Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự; xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự...

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, về phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật đã có sự phân định, bảo đảm không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành.

Cụ thể, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với sự cố, những loại hình thiên tai, dịch bệnh thông thường thực hiện theo quy định của luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với mức độ thảm họa, sự cố, bảo đảm không chồng chéo với luật chuyên ngành thì dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố và các cấp độ phòng thủ dân sự cũng như các biện pháp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao.

Kết luận về nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023 theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua./.

Hải Liên