Nên cấm hay không?
Theo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, có một vấn đề chưa thống nhất ý kiến đó là quy định về cấm quảng cáo rượu. Dự thảo quy định cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên. Một số ý kiến đề nghị cấm quảng cáo rượu có độ cồn trên 15 độ, ý kiến khác lại đề nghị cấm quảng cáo rượu có độ cồn trên 25 độ, có ý kiến đề nghị cấm quảng cáo rượu hoàn toàn.
Trên thực tế, từ năm 2003, theo Thông tư 43 của Bộ Văn hóa và Thông tin thì các loại rượu có độ cồn từ 15 độ trở xuống chỉ được quảng cáo trên báo in, báo điện tử, Đài phát thanh, Đài truyền hình, mạng thông tin máy tính như các hàng hóa khác quảng cáo trên phương tiện đó; Các loại rượu có độ cồn trên 15 độ chỉ được quảng cáo trong phạm vi địa giới doanh nghiệp sản xuất rượu, bên trong các cửa hàng, đại lý tiêu thụ rượu nhưng phải đảm bảo người ở bên ngoài địa giới doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý không đọc được, không nghe được, không thấy được. Trong khi đó tại khoản 4 Điều 109 Luật Thương mại năm 2005 quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên.
Theo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, xuất phát từ thực tiễn rất nhiều tệ nạn xã hội, tai nạn do người uống rượu gây ra, do vậy việc hạn chế quảng cáo rượu là cần thiết, tuy nhiên các quy định phải phù hợp với phong tục, tập quán cũng như các điều ước quốc tế đã ký kết. Do vậy, Ủy ban này tiếp tục đề nghị Bộ VHTT&DL và Bộ Công thương nghiên cứu cung cấp căn cứ để đưa ra quy định hợp lý.
Có nên quy định về hàng hóa đặc biệt?
Quá trình lấy ý kiến Dự án Luật Quảng cáo, một số ý kiến cho rằng không nên liệt kê danh mục và quy định cụ thể các nội dung, điều kiện quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như trong Dự thảo Luật vì những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt này tùy từng giai đoạn cụ thể sẽ thay đổi. Hơn nữa các quy định về nội dung quảng cáo, điều kiện được quảng cáo đối với từng loại hàng hóa đặc biệt đã được quy định ở các luật chuyên ngành. Do vậy chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và dẫn chiếu từ các luật chuyên ngành, tránh trùng lắp, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại đề nghị luật cần quy định cụ thể các loại hàng hóa đặc biệt, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo và điều kiện quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đó để có thể áp dụng trực tiếp, tránh quy định ở các văn bản dưới luật.
Trên thực tế, các quy định quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt nằm rải rác ở nhiều văn bản; không ít quy định mâu thuẫn nhau, tính pháp lý chưa cao; thực tiễn quản lý hoạt động này chưa tốt, thủ tục còn rườm rà, thường xuyên xảy ra sai phạm. Do vậy, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng cần thiết phải quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong Luật Quảng cáo.
Dự thảo Luật Quảng cáo có 3 Điều quy định về quảng cáo đối với loại hàng hóa đặc biệt, bao gồm các quy định về khái niệm hàng hóa đặc biệt, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo và điều kiện quảng cáo đối với một số loại hàng hóa đặc biệt. Các điều này được thể hiện trên cơ sở tiếp thu những quy định còn phù hợp từ các luật chuyên ngành, thể hiện theo từng nhóm ngành hàng như thuốc, sản phẩm thay thế sữa mẹ, vắc xin, sinh phẩm y tế... Để đảm bảo cập nhật danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt cho từng gia đoạn cụ thể, Ủy ban đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ, tùy theo tình hình cụ thể bổ sung danh mục hàng hóa đặc biệt để phù hợp với những biến động của cuộc sống.
Bình An