Theo ông Nguyễn Đức Thành (Hà Nội) tham khảo Khoản 1, Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020, đối tượng phải có giấy phép môi trường là "Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức".
Thực tế đặc thù, dự án lưới truyền tải điện khi đi vào vận hành chỉ phát sinh một số loại chất thải: Nước thải sinh hoạt sẽ được xử lý qua công trình bể tự hoại để xử lý nước thải tại chỗ; chất thải nguy hại như bóng đèn huỳnh quang, dầu thải với khối lượng rất nhỏ, giẻ lau dính dầu với khối lượng toàn bộ chất thải nguy hại là rất nhỏ khoảng vài kg/tháng tại các trạm biến áp; chất thải rắn sẽ được đơn vị có giấy phép của địa phương thu gom xử lý theo quy định.
Tất cả các dự án truyền tải điện không phát sinh khí thải và không phải xây dựng hệ thống thu gom xử lý rác thải theo quy định. Trong quá trình thực hiện, công ty của ông Thành đang rất lúng túng trong việc triển khai áp dụng để lập hồ sơ môi trường cũng như giải trình các cơ quan về xây dựng để thẩm định dự án đầu tư của các công trình truyền tải điện.
Ông Thành đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số trường hợp sau:
Trường hợp 1: Một số dự án truyền tải điện không phải thực hiện hồ sơ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 và hiện tại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã được phê duyệt trước ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực. Các dự án này có phải lập, trình phê duyệt bổ sung đánh giá tác động môi trường hay không?
Trường hợp 2: Một số dự án lưới truyền tải điện chỉ phát sinh lượng chất thải rất nhỏ trong quá trình vận hành. Trong trường hợp này, có cần phải xin giấy phép môi trường hay không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Trường hợp 1: Khoản 1, Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
"Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thực hiện các việc sau đây:
… c) Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
d) Kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng;…".
Do vậy, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã được phê duyệt trước ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thì không phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường.
Trường hợp 2: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường thì đối tượng cấp giấy phép môi trường là: "Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức".
Do vậy, trường hợp dự án có phát sinh nước thải xả ra môi trường phải được xử lý khi đi vào vận hành chính thức thì thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường.
Chinhphu.vn