|
Dự án được giao cho Cty Môi trường trực thuộc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư năm 2007, diện tích 100ha tại huyện Tân Thành, kinh phí 70 tỷ đồng, với mục đích xử lý chất thải trên địa bàn, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả chưa thấy đâu nhưng dự án có nguy cơ trở thành khu vực ô nhiễm lớn và bị dư luận chỉ trích bởi những vi phạm của cơ quan chức năng trong quá trình triển khai.
Trong kết luận thanh tra mới đây (tháng 3/2011), Bộ TN&MT đã khẳng định dự án "có dấu hiệu lách luật và vượt thẩm quyền". Cụ thể, trong dự án này có 4,3ha đất được quy hoạch làm khu xử lý chất thải nguy hại. Đối chiếu theo Nghị định 80/2006/NĐ-CP (ngày 9/8/2006) của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, thì dự án khu xử lý chất thải tập trung phải do Bộ TN&MT thẩm định và phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nhưng năm 2008, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tự thẩm định và phê duyệt ĐTM dự án này(?).
Theo báo cáo, Sở TN&MT đã thỏa thuận giao đất cho 10 doanh nghiệp với tỉ lệ lấp đầy đạt 95%. Nhưng trên thực tế, đến thời điểm Bộ TN&MT kết luận thanh tra, thì chỉ có 3 dự án, chiếm diện tích 6,1/100ha đã xây dựng và đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy Xử lý chất thải lỏng sinh hoạt, công suất 300m3/ngày do Cty TNHH Đại Nam làm chủ đầu tư, diện tích 2,4ha, đã hoạt động năm 2008; Nhà máy Xử lý, tái chế dầu nhớt thải Hà Lộc, công suất 10.000 tấn/năm của Cty TNHH Hà Lộc với diện tích 1,1ha, đã hoạt động 6.2010; Nhà máy Xử lý chất thải nguy hại Sao Việt, công suất 20.000 tấn/năm của Cty CP môi trường Sao Việt diện tích 2,65ha, đã hoạt động năm 2011. Ngoài một số dự án mới cấp chủ trương năm 2011 đang làm thủ tục thì còn lại hàng loạt dự án khác như Dự án Tái chế xỉ thép thành vật liệu cung cấp cho sản xuất ximăng của Cty TNHH Việt Ninh, diện tích 2,3ha, được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn đang trên giấy. Còn dự án đầu tư Nhà máy Xử lý rác thải đô thị thành điện năng, diện tích 10ha là khu đất cuối cùng trong 100ha quy hoạch xử lý chất thải (trị giá 100 triệu Euro) được chấp thuận đầu tư tháng 3/2010, nhưng 2 tháng sau đã rao bán trên mạng với giá 80 tỉ đồng, buộc phải thu hồi. |
Trong công văn giải đáp với Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, dự án chỉ có các hạng mục như cổng, tường rào, cây xanh, cấp điện cấp nước…; không thuộc thẩm quyền phê duyệt ĐTM của Bộ. Còn khu vực xử lý chất thải nguy hại tập trung đã được cơ quan chức năng "giấu" một cách khéo léo trong báo cáo ĐTM. Tuy nhiên, điều mâu thuẫn là, trong nội dung báo cáo ĐTM đã được chính Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt thì không chỉ có tường rào, cây xanh, mà còn "lòi" thêm ra khu chôn lấp chất thải công nghiệp không nguy hại 38ha, khu chôn lấp chất thải sinh hoạt 28ha, khu xử lý chất thải nguy hại 4,3ha, khu tái chế chất thải rắn 3ha và khu sản xuất phân vi sinh 4,5ha(?)
Theo kết luận của Bộ TN&MT thì dự án thiếu đồng bộ, không phê duyệt quy hoạch chi tiết nên quá trình mời gọi đầu tư, chủ đầu tư bố trí vị trí các dự án xử lý chất thải không theo quy hoạch được Sở Xây dựng thẩm định; phá vỡ quy hoạch phân khu chức năng theo nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt. Cụ thể, tại khu vực 7ha bố trí phân loại chất thải rắn, tái chế phân vi sinh nhưng lại được phân lô thành 1 dự án chôn lấp và xử lý chất thải nguy hại (1ha), 2 dự án tái chế xỉ thải từ nhà máy thép (3,3ha) và 2,7ha còn lại Sở TN&MT đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí thêm 2 dự án xử lý chất thải nguy hại, bất chấp số lượng dự án đầu tư xử lý chất thải nguy hại đã quá nhiều, công suất xử lý gấp 4 lần so với chất thải phát sinh thực tế. Ngoài ra, tại khu vực 28ha quy hoạch chôn lấp chất thải sinh hoạt, Sở TN&MT cũng đã thỏa thuận 10ha để làm nhà máy đốt rác thành điện năng.
Theo Nghị định 80/2006/NĐ-CP của Chính phủ, nếu có sự thay đổi nội dung của dự án phải lập báo cáo ĐTM bổ sung và trình cơ quan thẩm quyền, trong trường hợp này là Bộ TN&MT phê duyệt. Nhưng cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không làm điều này, như vậy là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Nguyên Sơn