Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2016 tăng 0,48% so với tháng trước. |
Nguyên nhân của việc lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản là do giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý về vấn đề lạm phát và yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các biện pháp điều hành giữ chỉ số CPI cả năm ở mức 5%, chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra.
Việc CPI tháng 11 tăng 0,48% so với tháng trước, đồng thời CPI 11 tháng năm 2016 đã ở mức 4,5% đặt ra vấn đề trong tháng còn lại cần phải kiểm soát con số này tăng không quá 0,5%.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa diễn ra hôm qua (29/11), Thủ tướng tiếp tục nhắc lại yêu cầu này. Người đứng đầu Chính phủ giao các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo điều hành thận trọng duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 5%.
Với dư địa còn lại khá hạn hẹp, có những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ nói trên, nhưng những con số thống kê trong những năm gần đây cho thấy điều này là hoàn toàn có thể.
Những năm trước năm 2012, những tháng gần dịp lễ, tết, chi cho tiêu dùng trong dân cư tăng mạnh và CPI thời gian này cũng luôn tăng với mức cao nhất. Tiếp theo là các tháng cuối quý I và trong quý II, CPI thường giảm và sau đó từ tháng 9 cho tới cuối năm thì CPI sẽ tăng cao dần.
Tuy nhiên xu hướng CPI giảm dần vào các tháng cuối năm đã bắt đầu xuất hiện trong những năm gần đây. Đặc biệt, thời gian Tết Nguyên đán 2015 đã có hiện tượng hai tháng có chỉ số CPI âm, điều này cũng góp phần kéo chỉ số CPI xuống mức thấp.
Chính vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng cuối cùng của năm 2016 nhiều khả năng sẽ không tiếp tục đà tăng đột biến như tháng 11 vừa qua.
Bên cạnh đó là xu thế giảm dần biên độ giao động của CPI giữa các tháng trong cùng một năm. Trong những năm gần đây, biên độ giao động của CPI giữa tháng tăng cao nhất và tháng tăng thấp nhất được thu hẹp.
Nếu như năm 2013, tháng 2 có CPI cao nhất là tăng 1,32% thì tháng 3 là thấp nhất với -0,19%, khoảng giao động là 1,5%. Năm 2014, tháng 1 có CPI cao nhất: 0,69% so tháng 3 thấp nhất: -0,44, khoảng giao động chỉ còn là: 1,13%. Trong năm 2015, CPI tháng 6 cao nhất là 0,35% và tháng 9 thấp nhất là -0,21%. Như vậy, biên độ giao động chỉ còn là 0,56%, thấp hơn nhiều so với hai năm trước liền kề.
Biên độ giao động ngày càng thu hẹp của CPI trong các năm gần đây và đặc biệt là năm 2015 cho thấy mức độ ổn định của giá cả thị trường Việt Nam giữa các tháng trong năm ngày càng tăng lên.
Trong 11 tháng của năm 2016 cũng diễn ra tình trạng tương tự. Mức tăng của lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,64% đến 1,88%, thể hiện chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự báo của Tổng cục Thống kê cho rằng chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2016 có thể tăng cao hơn ở mức tăng CPI tháng 11 do nhu cầu tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết có thể tác động đến giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, giày dép…
Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như sự nỗ lực của các Bộ, ban ngành và địa phương mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 5% vẫn có thể được thực hiện.
Quang Lê