In bài viết

Du khách đến Hành lang Đông - Tây tăng gấp đôi

(Chinhphu.vn) - Chính nhờ tác động của dự án Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), những năm gần đây, kinh tế, thương mại và du lịch giữa Việt Nam, Lào, Thái Lan tăng mạnh.

28/07/2012 18:38

Trong khuôn khổ Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” lần thứ 3, ngày 28/7, tại thành phố Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển kinh tế- du lịch Hành lang kinh tế Đông- Tây”.

Cửa khẩu Lao Bảo nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây nối Thái Lao, Lào Myanmar với các tỉnh miền Trung, Việt Nam.

Khái niệm “Hành lang kinh tế” lần đầu tiên  được đưa ra thảo luận tại hội nghị Bộ  trưởng các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 được tổ chức tại Philippines vào tháng 10/1998. Tại hội nghị này, dự án Hàng lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) đã được thống nhất ưu tiên là hành lang đầu tiên sẽ được triển khai thực hiện trong tiểu vùng sông Mekong.

Dự án do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng quốc tế Nhật Bản (JBIC) tài trợ. Như vậy, EWEC có chiều dài 1.450km đi qua 19 tỉnh, thành phố của lãnh thổ 4 nước Myanma, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Ở Việt Nam, EWEC bắt đầu từ cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) theo Đường 9 về Quốc lộ 1A đến tỉnh Thừa Thiên- Huế, và thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu của EWEC là tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển giữa 4 quốc gia trên Hành lang, đồng thời tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, đi lại; hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn, miền núi biên giới; phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, tạo thêm việc làm….

Chính nhờ tác động của EWEC, những năm gần đây, kinh tế, thương mại và du lịch giữa Việt Nam, Lào, Thái Lan tăng mạnh. Lượt du khách đến các nước thuộc EWEC tăng gấp 2 lần so với trước khi có EWEC; các trục giao thông trên EWEC được kết nối giúp dễ dàng tiếp cận với các trung tâm kinh tế trong khu vực; EWEC còn mở ra đường biển đối với các tỉnh thành và quốc gia không có biển, cung cấp hải sản, tạo điều kiện xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Chính nhờ phát triển mạnh giao thông vận tải thời gian qua, nên thông tin liên lạc và kinh tế các nước trong khu vực EWEC có thêm nhiều cơ hội và lợi thế phát huy tiềm năng phát triển du lịch với các loại hình phong phú như: di sản, sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa….

Có lợi thế lớn, song việc kết nối Hành lang Đông - Tây để phát triển kinh tế, du lịch vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Theo hội thảo, nguyên nhân là do sản phẩm du lịch của các nước EWEC còn quá đơn điệu. Các nước chưa xây dựng được sản phẩm, tour du lịch có thương hiệu, hấp dẫn để thu hút du khách, trong khi đó tính liên kết để phát triển du lịch giữa các nước còn rất yếu. Mặt khác, giữa các nước còn nhiều vướng mắc trong các khâu hành chính, giao thông, hay Luật của mỗi nước….

Theo Bộ Ngoại giao, để phát huy tốt thế mạnh để phát triển kinh tế, du lịch, các địa phương, các nước thuộc EWEC cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm phát triển du lịch, gắn thị trường du lịch Việt Nam với khu vực và thế giới, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Đồng thời, tăng cường xây dựng, kêu gọi hợp tác, đầu tư quốc tế đối với các dự án du lịch tập trung; huy động các chuyên gia quốc tế đến giảng dạy và hỗ trợ xây dựng các tài liệu đào tạo về chuẩn cơ bản, dịch vụ khách hàng, bán các sản phẩm giá trị gia tăng và tiếp thị với chi phí thấp; đào tạo các hướng dẫn viên tại địa phương. Cùng với đó, các nước trong Hành lang kinh tế Đông- Tây cần phối hợp sử dụng có hiệu quả các khoản hỗ trợ của ADB và Nhật Bản, và tiếp tục kêu gọi đầu tư từ các đối tác phát triển khác.

Đối với giải pháp cụ thể, hầu hết các đại biểu cho rằng, EWEC cần tiếp thị tiểu vùng như một điểm đến duy nhất với chiến lược quảng cáo chung để tạo sức mạnh tổng hợp, có sức lan tỏa mạnh mẽ thu hút du khách đến với khu vực này; đi đôi với quảng bá cần tích cực xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại trong khu vực Hàng lang Đông – Tây; giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, đồng thời áp dụng công nghệ để kiểm soát cửa khẩu quốc tế đường bộ, sân bay, hải cảng. Đây được xem là điểm mấu chốt cơ bản tạo ra không gian du lịch thông thoáng, hấp dẫn đối với mỗi du khách.

Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy tổ chức thực hiện thỏa thuận ba bên Việt Nam- Lào- Thái Lan về  vận tải du khách; ký kết văn bản hợp tác giữa các nước EWEC về phát triển du lịch, tránh trùng lặp các hoạt động, đồng thời tạo ra mục tiêu chung có hiệu quả cao hơn.

Thế Phong