In bài viết

Dự kiến bãi bỏ một số văn bản QPPL do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành

(Chinhphu.vn) - Bộ Ngoại giao đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành.

11/10/2024 21:50
Dự kiến bãi bỏ một số văn bản QPPL do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành- Ảnh 1.

Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành.

Theo dự thảo, bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành sau đây:

1. Thông tư số 01/2019/TT-BNG ngày 18/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

Lý do kiến nghị bãi bỏ: Vì chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước là rất ít; cơ bản đã được quy định tại Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và Thông tư số 10/2005/TT-BNG ngày 19/5/2005 của Bộ trưởng Ngoại giao hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 06/2005/NĐ-CP ngày 19/01/2005 về việc lập và hoạt động của Văn phòng đại diện của các tổ chức hợp tác, nghiên cứu của nước ngoài tại Việt Nam. Hiện Bộ Ngoại giao đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 06 và nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 10.

Bên cạnh đó, một số nội dung tại Thông tư không phù hợp với quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.

2. Thông tư số 02/2021/TT-BNG ngày 06/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2019/TT-BNG ngày 18/7/2019 quy định chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

Lý do là: Bãi bỏ Thông tư số 01/2019/TT-BNG ngày 18/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

3. Thông tư số 06/2016/TT-BNG ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về hướng dẫn thực hiện Điều 15 tại Nghị định số 17/2014/NĐ-CP ngày 11/3/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra Ngoại giao.

Lý do: Việc hết hiệu lực của Thông tư thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi năm 2020): Thông tư này hướng dẫn Nghị định số 17/2014/NĐ-CP là văn bản đã hết hiệu lực từ ngày 01/03/2024 (do bị bãi bỏ bởi Nghị định số 15/03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành). Thực tế hiện nay, Bộ Ngoại giao thực hiện các nội dung thanh tra chuyên ngành ngoại giao trên cơ sở pháp luật chuyên ngành liên quan, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh