Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, than chỉ được phép xuất khẩu khi đồng thời đảm bảo 2 yêu cầu: Có nguồn gốc hợp pháp và đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc tương đương tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Đặc biệt, đối với Than cám 4, Thông tư 05/2007/TT-BCT trước đây quy định phải hạn chế xuất khẩu và dừng xuất khẩu từ năm 2016, nhưng tại dự thảo này đã yêu cầu phải dừng xuất khẩu loại than này ngay từ năm 2014.
Than cám 4 khai thác ở Hòn Gai - Cẩm Phả, Mạo Khê, Vàng Danh - Nam Mẫu; cỡ hạt từ 0 - 15mm.
Đồng thời, đối với Than cám 5, dự thảo yêu cầu phải dừng xuất khẩu từ năm 2014 thay vì hạn chế xuất khẩu và dừng xuất khẩu từ năm 2013 như quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, đối với các loại Than cục, Than cám loại 1, 2, 3, thay vì phải dừng xuất khẩu sau năm 2015 theo Thông tư 05/2007/TT-BCT thì dự thảo quy định: Các loại than này đến sau năm 2015 phải hạn chế xuất khẩu.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành tại Thông tư 05/2007/TT-BCT, Than cám 6 và Than cám chất lượng thấp hơn cám 6 phải dừng xuất khẩu từ năm 2011, nhưng theo nội dung trong dự thảo cho phép thời hạn dừng xuất khẩu các loại than này được kéo dài đến năm 2015.
Dự thảo còn quy định cách thức xử lý đối với một số trường hợp cá biệt như: Than đã qua chế biến, nhưng không thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định hoặc xuất khẩu than để đối lưu nhập khẩu hàng hóa cần thiết cho sản xuất, kinh doanh... Trong các trường hợp trên, thương nhân xuất khẩu than phải báo cáo UBND tỉnh nơi thương nhân hoạt động để UBND tỉnh kiểm tra, xác nhận và đề nghị Bộ Công Thương xem xét, giải quyết.
Theo quy định tại Thông tư 05/2007/TT-BCT, Than cám được chia thành 7 loại, (cám 1, 2, 3, 4, 5, 6 và than chất lượng thấp hơn cám 6) được phân biệt dựa trên các chỉ số như: cỡ hạt (mm), độ tro khô (Ak%) và trị số tỏa nhiệt toàn phần khô, (Qkgr cal/g). Ví dụ, Than cám 4 Hòn Gai - Cẩm Phả có cỡ hạt từ 0-15 mm; độ tro khô > 18 đến ≤ 26 Ak%; trị số tỏa nhiệt toàn phần khô ≥ 6050 đến < 6850 Qkgr cal/g; Than cám 6 Mạo Khê có độ tro khô > 33; trị số tỏa nhiệt < 5250,... |
Trần Mạnh