Dự thảo nêu rõ, đối tượng đào tạo gồm người có nhu cầu dự thi để được cấp Thẻ thẩm định viên về giá.
Các đơn vị sau đây đáp ứng đủ các yêu cầu quy định được tổ chức đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá: 1. Các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành đào tạo trình độ đại học về thẩm định giá theo quy định của pháp luật giáo dục – đào tạo; 2. Các đơn vị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá thuộc Bộ Tài chính; 3. Hội nghề nghiệp về thẩm định giá.
Theo dự thảo, lớp đào tạo về nghiệp vụ thẩm định giá được tổ chức tập trung một kỳ liên tục hoặc nhiều kỳ nhưng không kéo dài quá 3 tháng cho một lớp học và phải đảm bảo dạy và học đủ thời lượng, nội dung và chương trình theo quy định như sau:
Lớp đào tạo về nghiệp vụ thẩm định giá tài sản bao gồm 05 chuyên đề: Pháp luật áp dụng trong lĩnh vực thẩm định giá; Nguyên lý căn bản về thẩm định giá; Thẩm định giá bất động sản; Thẩm định giá động sản; Thẩm định giá tài sản vô hình.
Lớp đào tạo về nghiệp vụ thẩm định giá doanh nghiệp bao gồm các chuyên đề quy định nêu trên và thêm 02 chuyên đề: Phân tích tài chính doanh nghiệp; Thẩm định giá doanh nghiệp.
Một lớp học đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá tối đa không quá 150 học viên.
Học viên có kết quả các bài kiểm tra từ 5 điểm trở lên một bài là học viên đạt yêu cầu khóa học và được cấp Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định giá doanh nghiệp.
Thủ trưởng đơn vị tổ chức đào tạo (hoặc cấp phó được Thủ trưởng đơn vị tổ chức đào tạo ủy quyền) ký, cấp Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá. Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá theo Mẫu quy định và phải được đóng dấu giáp lai ảnh của học viên.
Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá là một trong những điều kiện để đăng ký dự thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá. Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá cũng là điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của người thành lập Hội đồng thẩm định giá tham gia Hội đồng thẩm định giá theo quy định tại Điều 60 Luật Giá.
Các trường hợp cấp lại Chứng chỉ vì bị mất, bị hỏng do thiên tai, địch họa hoặc lý do bất khả kháng khác sẽ do đơn vị tổ chức đào tạo xem xét, quyết định nhưng phải ghi rõ Chứng chỉ cấp lại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp lại này.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương