Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị bãi bỏ quy định mua bảo hiểm xe máy bắt buộc và để người dân mua bảo hiểm xe máy tự nguyện. Bên cạnh đó, kiểm soát việc mua bán bảo hiểm xe máy, điều chỉnh thủ tục và số tiền được bồi thường tai nạn.
Đồng thời, cử tri đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu trích một phần từ nguồn thu tham gia loại hình bảo hiểm này vào một số hoạt động an sinh xã hội chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn và những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời cử tri tỉnh An Giang này như sau:
Cơ sở pháp lý, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy như sau:
Theo quy định pháp luật hiện hành, xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ, cụ thể:
- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự: "Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới...".
- Theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ: "18. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe xe cơ giới) gồm xe ô tô... xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự".
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ: "2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ sau:... d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới".
- Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15:
"1. Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội
2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
... 5. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc...".
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là 1 trong số 4 loại bảo hiểm bắt buộc.
- Theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ, xe cơ giới gồm xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện)...
Nhiều nước áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia,... Để bảo đảm thực hiện, một số nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore,... có quy định việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam đến nay là 34 năm (từ năm 1988 theo Nghị định số 30-HĐBT ngày 10/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng).
Hiện nay, mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia (Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020): Tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 72 triệu xe, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
Theo số liệu thống kê bình quân từ năm 2017-2021 của các doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ lệ chi bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là 19,81%. Riêng về bảo hiểm bắt buộc xe máy năm 2021, số lượng xe được bảo hiểm 12,4 triệu xe (giảm 3% so với năm 2019), tổng số tiền bồi thường bảo hiểm và dự phòng nghiệp vụ là 1.040 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm bao gồm cả dự phòng nghiệp vụ là 11%.
Căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai, quy định hiện nay vẫn giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do pháp luật có liên quan (Luật Giao thông đường bộ) quy định xe cơ giới bao gồm cả xe ô tô, xe máy.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm bắt buộc nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, căn cứ tình hình thực tiễn, ý kiến đề xuất của các bên liên quan, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ sửa đổi một số quy định liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như: Bổ sung quy định giảm 15% phí bảo hiểm; tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%; thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm; bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với mô tô, xe gắn máy.
Do năm 2021, Nghị định số 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ vừa tăng mức trách nhiệm bảo hiểm từ 100 triệu đồng/người/vụ lên 150 triệu đồng người/vụ, do đó, cần có thời gian đánh giá dựa trên tình hình triển khai thực tế trong giai đoạn từ 4 đến 5 năm tới.
Trong thời gian tới trên cơ sở đánh giá đầy đủ kết quả triển khai, tình hình thị trường, xu thế, lợi ích và các rủi ro liên quan, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh mức trách nhiệm.
Về ý kiến đề nghị nghiên cứu trích một phần từ nguồn thu tham gia loại hình bảo hiểm này vào một số hoạt động an sinh xã hội chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn và những đối tượng yếu thế trong xã hội: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội.
Theo quy định, các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trích tối đa 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề để đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được sử dụng cho các mục đích chi hỗ trợ nhân đạo, đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông, tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông...
Hiện nay, dự thảo Nghị định đang xây dựng theo hướng tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30% đảm bảo phù hợp với mục tiêu thành lập Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, góp phần hỗ trợ hơn nữa các nạn nhân, người bị thiệt hại sau tai nạn.
Mai Chi