Một khu điểm du lịch tại Đà Nẵng đo thân nhiệt cho khách khi đến tham quan - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Sẵn sàng các điều kiện phòng dịch
Với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19, vừa thúc đẩy các hoạt động phục hồi du lịch, thời gian qua, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp truyền thông, quảng bá và kích cầu du lịch. Thành phố đã tạo ra các sản phẩm du lịch mới, du lịch sinh thái, cộng đồng... để đón đầu các xu hướng du lịch mới; các cơ sở lưu trú du lịch cũng đang áp dụng nhiều mức giá ưu đãi và dịch vụ bổ sung nên thu hút được sự quan tâm của du khách.
Nhờ đó, số lượng khách du lịch đến Thành phố này từng bước hồi phục. Trong dịp lễ 30/4-1/5 này, tổng lượng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 129.000 lượt (chủ yếu là khách nội địa). Lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch trong dịp lễ 30/4-1/5 ước đạt hơn 58.000 lượt. Các khách sạn khu vực ven biển, đặc biệt là các khách sạn dọc đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa và Trường Sa đạt công suất phòng trên 75% đối với dịp 30/4 và 1/5, một số khách sạn đã đạt 100% cho ngày 30/4 như Naman Retreat, Hyatt Regency, Furama Resort, Bella Maison Parosand…
Tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, trong dịp lễ này, có 11 đường bay nội địa đến Đà Nẵng, lượng khách đặt mua vé dịp 30/4 có xu hướng tăng mạnh, tập trung vào tuần cao điểm từ 28/4-3/5. Mỗi ngày có 120 chuyến bay đi và đến. Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết đơn vị đã xây dựng kế hoạch phục vụ dịp cao điểm để bảo đảm an toàn và đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch.
Cùng với Sở Du lịch Đà Nẵng, các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch trên địa bàn Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và công tác phòng chống dịch COVID-19.
Hiện nay, ban quản lý các bãi biển, điểm du lịch tại Đà Nẵng đều sẵn sàng phương án nhân sự, phương tiện phục vụ cho đợt cao điểm du lịch hè năm 2021, với trọng tâm là công tác phòng ngừa COVID-19. Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cho biết: “Chúng tôi quán triệt tất cả nhân viên phải mang khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn; thường xuyên dùng loa nhắc nhở người dân không tập trung quá đông ở một khu vực dù ở trên bờ hay dưới bãi tắm”.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, Sở Du lịch đã làm việc, đôn đốc các đơn vị tổ chức sự kiện, các điểm du lịch, khách sạn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhất là thông điệp 5K bằng các bản cam kết cụ thể; phối hợp với các quận, các sở, ngành khác tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các nhà hàng, tàu xe vận chuyển, siêu thị trên địa bàn.
“Trong đợt cao điểm này, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra bằng hình thức đột xuất để xem các khách sạn, khu điểm du lịch thao tác các biện pháp phòng chống dịch đối với du khách như thế nào. Nếu đơn vị nào vi phạm thì sẽ nhắc nhở hoặc nếu nghiêm trọng thì sẽ kiến nghị ban chỉ đạo phòng chống dịch có hình thức xử lý”, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.
Trước dịp lễ này, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã tổ chức các lớp tập huấn với sự tham gia của các đơn vị khách sạn, ngành công an, y tế để phổ biến các nội dung, biện pháp phòng chống dịch, hướng dẫn cách thức, biểu hiện của khách có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Đà Nẵng mới đây, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Dịp lễ 30/4 và 1/5, khách du lịch đến với Thành phố khá đông, nếu chúng ta sơ suất để dịch COVID-19 quay trở lại thì tất cả những cố gắng trong thời gian vừa qua để đạt mục tiêu phục hồi kinh tế sẽ không thành công. Do vậy, quan điểm của Thành ủy Đà Nẵng là phải tăng cường ý thức, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Mặc dù chưa kích hoạt các biện pháp mạnh làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, nhưng cần thực hiện công tác xét nghiệm ngẫu nhiên những đối tượng có nguy cơ để du khách tin tưởng hơn khi chọn Đà Nẵng là điểm đến”.
Các khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng thực hiện đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Đeo khẩu trang và không tụ tập đông người
Cách Đà Nẵng không xa, không khí du lịch Hội An đang sôi động trở lại. Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình TP. Hội An, khách tham quan Hội An trong thời gian qua tăng dần và tập trung đông vào các ngày cuối tuần (bình quân khoảng 1.800 đến 2.000 khách/ngày).
Tuy nhiên, với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 từ các nước láng giềng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành du lịch Hội An đã chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch trong dịp lễ 30/4 này. Cụ thể, địa phương thường xuyên phát các nội dung khuyến cáo bảo đảm công tác phòng, chống COVID-19 trên hệ thống loa trong Khu phố cổ vào khung giờ "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ". Đồng thời, trang bị khẩu trang cho du khách, nước sát khuẩn và máy đo thân nhiệt tại các quầy bán vé tham quan trong Khu phố cổ và các làng nghề truyền thống.
Thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn tham quan nhắc nhở du khách có trách nhiệm tuân thủ việc đeo khẩu trang. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan và các di tích trong tuyến tham quan tăng cường công tác phòng dịch COVID-19. Phân bổ hợp lý các hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách, tránh tập trung quá đông vào một địa điểm để bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, Thành phố vừa kích hoạt lại Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố và các xã, phường; tiếp tục thực hiện khuyến cáo 5K, đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách đeo khẩu trang khi tham quan du lịch; xây dựng lại các tổ giám sát cộng đồng, rà soát, chuẩn bị các khu cách ly… Đặc biệt, dừng tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn tập trung đông người trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, gồm sự kiện “Di sản vượt thời gian - Đêm nhạc Trịnh Công Sơn”, lễ hội “Âm nhạc và ẩm thực biển An Bàng”.
Du khách đến tham quan phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Bảo đảm an toàn trong trạng thái bình thường mới
Còn tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong dịp lễ 30/4 này, lượng khách đặt phòng đến Huế tăng lên đáng kể. Theo thống kê của ngành du lịch, công suất đặt phòng tại nhiều khách sạn 3-5 sao trong thời gian nghỉ lễ đạt khoảng 70%, riêng vào 2 ngày cao điểm 30/4 và 1/5 đạt 90-100%. Dự báo, tổng lượng khách lưu trú ở Huế trong dịp lễ lần này sẽ đạt khoảng 30.000 lượt.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cho biết, lượng khách đến Huế tăng trong mấy ngày qua cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực đối với ngành du lịch. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát luôn thường trực, yêu cầu đặt ra là vẫn thu hút, phục vụ chu đáo khách nhưng phải bảo đảm an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Sở Du lịch tỉnh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị lữ hành, vận chuyển tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Bộ quy tắc phòng chống dịch. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm nhắc nhở, tuyên truyền đến du khách công tác phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, ngành du lịch đã công bố rộng rãi bản đồ an toàn du lịch trên địa bàn tỉnh. Trên đó đã có thống kế danh mục các điểm du lịch, khách sạn, cơ sở dịch vụ đạt tiêu chí phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho du khách khi đến với Huế.
Trước đó, tỉnh đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trong trạng thái bình thường mới nhằm nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch tại Thừa Thiên-Huế. Dịp này, ngành kêu gọi người dân và du khách hãy cùng nhau thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch để có một kỳ nghỉ an toàn, những trải nghiệm đáng nhớ.
Thế Phong-Lưu Hương