In bài viết

Du lịch Ninh Thuận còn nhiều dư địa để phát triển

(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua, du lịch Ninh Thuận đã ghi nhận những bước tiến quan trọng và vẫn còn nhiều dư địa để địa phương có thể phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa, ghi dấu ấn rõ nét trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như khu vực và thế giới.

30/09/2022 20:46
Du lịch Ninh Thuận còn nhiều dư địa để phát triển - Ảnh 1.

Tỉnh Ninh Thuận giới thiệu các sản phẩm văn hóa, OCOP đặc sắc tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Hôm nay (30/9), UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội. Hội nghị là một trong những hoạt động Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội diễn ra trong hai ngày 30/9 và 1/10.

Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội là cơ hội tốt để giới thiệu thế mạnh du lịch của tỉnh và cùng bàn các giải pháp xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm, định vị thương hiệu du lịch Ninh Thuận nói riêng và tạo kết nối du lịch liên vùng, giữa Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các vùng trọng điểm du lịch khác trên cả nước.

Ninh Thuận có vị trí địa lý quan trọng, nằm trên ngã ba nối liền nền kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong chuỗi liên kết các tỉnh Duyên hải miền Trung. Ninh Thuận còn được biết đến là vùng đất có khí hậu "ít mưa, thừa nắng và gió". Bờ biển trải dài hơn 100km với những dãy núi đâm ra biển tạo nên vũng, vịnh với cát trắng, nắng vàng, nước biển xanh; có Vườn Quốc gia Núi Chúa và Phước Bình còn nguyên vẹn nét nguyên sinh, trong đó Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam.

Nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, nghề truyền thống và lễ hội độc đáo... đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của Việt Nam. Đây là những điều kiện tốt để đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch văn hóa gắn với những yếu tố đặc thù, riêng có của vùng đất và con người Ninh Thuận.

Ninh Thuận định hướng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm chính gồm: 4 sản phẩm đặc thù (du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp); 4 sản phẩm mới lạ (du lịch khám phá và vui chơi giải trí, du lịch săn bắn, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch chăm sóc sức khỏe); 4 sản phẩm bổ trợ (du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, thương mại du lịch).

Gợi ý một số điểm cần lưu ý trong phát triển du lịch tại Ninh Thuận trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh việc ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19 như: Du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao; Du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; Du lịch nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa; Du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe....

Bên cạnh đó, xem xét, tập trung nâng cao tính chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá sản phẩm, chương trình du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch. Coi xúc tiến du lịch là một trong những kênh đầu tư quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

Mặt khác cần xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch; chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động có tay nghề.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong khu vực và với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn theo cơ chế linh hoạt, thực chất, có sự tham gia của cơ quan quản lý với vai trò dẫn dắt, định hướng; tham gia của doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư để phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; tham gia của đơn vị, hãng thông tấn, truyền thông để hợp tác giới thiệu quảng bá du lịch, tiếp cận thị trường quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch.

"Tổng cục Du lịch cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp, trong đó có tỉnh Ninh Thuận trong các hoạt động nhằm thúc đẩy sự tạo điều kiện cho ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững", Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nói.

Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Thuận với Công ty cổ phần Hàng không Vietjet; ký kết giữa cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp trẻ tỉnh Ninh Thuận và Hà Nội về hợp tác phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm…

Diệp Anh