Ảnh minh họa |
Thành quả còn rất khiêm tốn
Sự hợp tác kết nối về du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc nhiều năm qua đã nhận được sự ủng hộ của Tổng cục Du lịch, đặc biệt là thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật thiết thực và hiệu quả của Dự án phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (gọi tắt là Dự án EU).
Mô hình liên kết vùng Tây Bắc mở rộng cũng đang được nhiều địa phương ở các khu vực khác quan tâm nghiên cứu, áp dụng. Thúc đẩy hợp tác liên kết vùng nhằm khơi dậy tiềm năng du lịch to lớn của các tỉnh Tây Bắc trong việc phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch cho cả vùng và từng địa phương.
Tuy nhiên, sự liên kết giữa các khu du lịch, các trung tâm du lịch chưa diễn ra mạnh mẽ. Năm 2014, kết quả điều tra 300 du khách quốc tế đến Sapa của Dự án EU cho thấy có tới 259 khách lên Sapa lại trở về Hà Nội, chỉ có 29 người đi tiếp sang Hà Giang và 10 người sang Lai Châu, Điện Biên.
Du khách lên vùng Tây Bắc chủ yếu là du khách Việt Nam, đông nhất là ngày nghỉ cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật và kỳ nghỉ lễ, tết như ngày 30/4, 1/5, dịp Quốc khánh, Tết Nguyên đán…). Đặc điểm này dẫn đến sự quá tải ở các điểm, khu du lịch trong ngày nghỉ.
Các tuyến đường vùng Tây Bắc được nâng cấp, đặc biệt là đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đã tạo sự tác động mạnh mẽ đến du lịch. Đường cao tốc “kéo gần” Sapa với Hà Nội dù có tác dụng tích cực nhưng cũng đặt ra thách thức khi Sapa cũng như nhiều khu du lịch ở Lào Cai, Yên Bái chỉ thành điểm nghỉ cuối tuần, thời gian lưu trú khu du lịch rất thấp (giảm từ 0,5 đến 1 ngày với du khách trong nước). Khách nội địa chỉ đi du lịch trong ngày nghỉ nên nhiều điểm du lịch ở gần Hà Nội như Phú Thọ, Mai Châu, Mộc Châu, du khách ít lưu trú.
Liên kết nên là cam kết
Hoạt động liên kết phát triển du lịch các tỉnh vùng Tây Bắc đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhất là về du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa. Tạo điều kiện cho Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương như: hình thành cung đường Tây Bắc, du lịch qua những miền di sản Tây Bắc, Việt Bắc. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các địa phương còn mang tính hình thức, hành chính chủ quan mà thiếu các cơ chế hiệu quả ràng buộc…
Từ câu chuyện liên kết của Tây Bắc, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch liên hệ đến thực tế liên kết du lịch của các tỉnh vùng ĐBSCL, có nét khá tương đồng với Tây Bắc về cảnh quan và bản sắc văn hóa.
“Khi xây dựng quy hoạch du lịch vùng ĐBSCL, chúng tôi xác định khu vực mấu chốt có ý nghĩa vùng và đề nghị Chính phủ tập trung cho vùng đó. Chẳng hạn cù lao Long Lân Quy Phượng ở khu vực sông Tiền và sông Hậu nằm trên địa bàn 3 tỉnh Tiền Giang-Vĩnh Long-Bến Tre được chúng tôi xác định sản phẩm du lịch chung cho 3 tỉnh này. Và đề nghị tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển”, ông Lương cho biết.
Theo chuyên gia này, để các tỉnh ngồi lại với nhau, liên kết được thì phải có chính sách, cam kết cụ thể nhất là về lợi ích.
Về quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ông Mùa A Sơn cho rằng, mỗi địa phương nên chọn 1 điểm mạnh nhất của mình để tập trung phát triển. Với đặc thù phân bố của đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta cũng có thể lựa chọn những điểm được coi là đặc sắc nhất của mình để đầu tư. Chẳng hạn Yên Bái là đồng bào Tày Nùng, Hà Giang là người Dao, Sơn La là đồng bào Thái, từ đó tạo nên sự khác biệt đặc sắc giữa các địa phương, tránh trùng lặp.
Rõ ràng, có nhiều cách để một địa phương đa dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, trong trường hợp, tài nguyên du lịch của địa phương hạn chế hoặc chưa thực sự tạo được sức hút đối với khách du lịch thì việc liên kết với địa phương khác chính là giải pháp hữu hiệu góp phần bổ sung, đa dạng hóa, tạo ra sức hấp dẫn chung cho các sản phẩm du lịch của địa phương.
Do đó, với tiềm năng du lịch của các tỉnh Tây Bắc, nếu thực hiện liên kết tốt sẽ bổ trợ cho nhau, tạo ra nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, lôi cuốn khách du lịch và sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho hoạt động du lịch.
Nguyệt Hà