Ngành du lịch TPHCM mới đang hoàn thiện các nhóm sản phẩm đặc trưng, tổ chức theo trục trải nghiệm liên kết - Ảnh: VGP/Lê Anh
Theo Sở Du lịch TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2025, du lịch Thành phố tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, Thành phố đón trên 3,85 triệu lượt khách quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2024. Khách du lịch nội địa đạt trên 18,3 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch trên địa bàn đạt gần 118.000 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Bình Dương (cũ) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 con số, trong quý I/2025, ngành du lịch tỉnh phục vụ khoảng 1,1 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2025, ngành du lịch của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, góp phần thúc đẩy thương mại - dịch vụ của tỉnh tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, trong 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 195.634 tỷ đồng, tăng 18%.
Ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của khu vực Đông Nam Bộ. Trong 6 tháng đầu năm 2025, lĩnh vực du lịch tiếp tục bứt phá với doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 22,68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượt khách lưu trú đạt hơn 3 triệu lượt, trong đó có gần 165.000 lượt khách quốc tế.
Trong bối cảnh TPHCM chính thức vận hành chính quyền hai cấp khi sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa-Vũng tàu từ ngày 1/7, ngành du lịch Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp du lịch-lữ hành đang chủ động tái định vị sản phẩm, mở rộng hành lang địa lý nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển bền vững.
Nhận định về cơ hội và tiềm năng mới khi địa giới hành chính của TPHCM được mở rộng, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, đến thời điểm hiện tại, Thành phố không chỉ là điểm đến nổi bật với các loại hình du lịch đô thị, MICE, văn hóa-ẩm thực, mà còn sở hữu tiềm năng phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch tâm linh (tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu cũ), cũng như du lịch công nghiệp, làng nghề, sinh thái (khu vực Bình Dương cũ).
Những lợi thế này đang góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của Thành phố, mở ra cơ hội xây dựng các tour tuyến liên kết theo chủ đề trải nghiệm đặc sắc vùng Đông Nam Bộ.
Với bối cảnh mới, ngành du lịch TPHCM xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là kiện toàn bộ máy tổ chức, tích hợp hệ thống dữ liệu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và du khách. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới, hướng đến tái định vị thương hiệu du lịch Thành phố.
Nhiều chuyên gia nhận định, TPHCM hiện có lợi thế về mở rộng điểm đến cũng như điều kiện hạ tầng thuận lợi. Khi sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đi vào hoạt động, thời gian di chuyển giữa TPHCM, Vũng Tàu (cũ) và Bình Dương( cũ) sẽ rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi để du khách quốc tế đến thẳng các khu nghỉ dưỡng ven biển mà không cần qua trung tâm Thành phố. Các tuyến cao tốc chiến lược như TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành… sẽ tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp du lịch-lữ hành mở rộng tour tuyến, xây dựng sản phẩm mới phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị truyền thông Công ty Cổ phần Lữ hành Vietluxtour cho biết, doanh nghiệp đã sớm điều chỉnh kế hoạch kinh doanh ngay từ đầu quý III/2025 nhằm khai thác thị trường mới. Trong thời gian tới, Vietluxtour sẽ ra mắt bộ sản phẩm du lịch Việt Nam mới, vừa mang tính đặc sắc về tuyến điểm, phản ánh dấu ấn văn hóa-lịch sử trong kỷ nguyên phát triển mới.
TPHCM luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách khi tới Việt Nam - Ảnh: VGP/Lê Anh
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 10,7 triệu lượt khách, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Với vị thế là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, bên cạnh những sản phẩm, tour du lịch đặc sắc được triển khai thường xuyên, hiện nay, ngành du lịch TPHCM mới đang hoàn thiện các nhóm sản phẩm đặc trưng, tổ chức theo trục trải nghiệm liên kết.
Nổi bật là hành trình "Từ phố theo sông ra biển", kết nối các không gian đô thị trung tâm, vùng sinh thái ven sông và vùng nghỉ dưỡng biển trong một tuyến liên tục; hay chuỗi "Văn hóa biển", tái định vị các điểm đến ven biển gắn với tín ngưỡng, di sản và sinh thái. Các sản phẩm chuyên đề như ẩm thực, du lịch đêm, làng nghề cũng đang từng bước được phát triển nhằm cá nhân hóa trải nghiệm.
Bên cạnh đó các sự kiện lớn cũng được nâng tầm và định vị lại như Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE HCMC) tiếp tục là đầu mối kết nối thị trường quốc tế và khu vực. Tuần lễ Du lịch TPHCM được mở rộng quy mô toàn vùng, gắn với sản phẩm mới và điểm đến mới.
Ngoài ra, các địa điểm du lịch nổi bật như biển Long Hải, Hồ Tràm hay suối nước nóng Bình Châu mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hay đặc khu Côn Đảo giờ đây dần trở thành một "thiên đường" du lịch hấp dẫn du khách… trong khi đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là điểm đến thu hút hàng chục nghìn du khách quốc tế đến khám phá vùng Đông Nam Bộ.
Nhiều chuyên gia nhận định, hệ thống cảng biển, logistics, giao thông thủy nội địa và các tuyến sông lớn như sông Sài Gòn đang mở ra dư địa phát triển du lịch đường sông. Song song với đó, với gần 93.000 phòng lưu trú, từ khách sạn cao cấp đến homestay, resort sinh thái, cùng hệ thống trung tâm mua sắm, bệnh viện quốc tế, sân golf, khu giải trí... TPHCM hoàn toàn có khả năng đón tiếp song song khách nội địa quy mô lớn và khách quốc tế cao cấp.
Bà Trần Mộng Tuyền, Quản lý dự án cấp cao của Công ty Informa Markets Việt Nam nhận định: Một trong những rào cản hiện nay của TPHCM chính là việc chưa khai thác hết tiềm năng của du lịch MICE để thúc đẩy đầu tư và du lịch. TPHCM vẫn đang "khát" những trung tâm hội nghị, triển lãm quy mô lớn, có thể đón hàng nghìn khách tham dự cùng lúc với trang thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng đầu. "Đây là một điểm nghẽn đáng tiếc, bởi MICE không chỉ là những sự kiện đơn thuần; là đòn bẩy chiến lược, có khả năng kéo theo nguồn vốn, tri thức và dòng khách du lịch cao cấp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững", bà Tuyền chia sẻ.
Để thực sự vươn tầm, theo đại diện Informa Markets Việt Nam, TPHCM cần có những bước đột phá táo bạo trong quy hoạch và đầu tư vào lộ trình phát triển MICE, cởi mở hơn trong việc hợp tác với các đơn vị tổ chức quốc tế chuyên nghiệp.
Sở Du lịch TPHCM nhận định Thành phố đang đứng trước cơ hội vàng làm mới ngành du lịch, vì tài nguyên đa dạng, thị trường rộng lớn, hạ tầng hoàn chỉnh.
Trong phạm vi địa lý mới, TPHCM có 681 tài nguyên có khả năng trở thành điểm đến du lịch. Đó là từ đô thị, làng nghề, công nghiệp, ven sông đến biển đảo, hệ thống di sản kiến trúc, bảo tàng hiện đại, chợ truyền thống, ẩm thực đường phố, không gian sáng tạo và lễ hội là nơi phát triển mạnh các tour MICE, city tour, du lịch văn hóa và các sản phẩm du lịch đêm.
Lê Anh