In bài viết

Du lịch trong điện ảnh: Sự gắn kết không dễ dàng

(Chinhphu.vn) - Thực ra từ lâu hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam đã đến với mọi miền tổ quốc cũng như bạn bè thế giới. Nhờ có điện ảnh mà khán giả Pháp biết đến vịnh Hạ Long, Sài Gòn trong phim Đông Dương; n hờ có Chuyện của Pao mà nhiều khán giả biết và đến với Tây Bắc…

17/10/2013 07:15

Ảnh minh họa

Những thước phim tái hiện lại những hình ảnh, khung cảnh đẹp của thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa đời sống sinh hoạt của nhân dân không chỉ làm nên sự thú vị nên thơ, sức hấp dẫn cho các bộ phim mà còn góp phần quan trọng đưa địa danh, thắng cảnh du lịch đến với đông đảo khán giả, du khách.

Du lịch hút khách nhờ điện ảnh

Nhiều khán giả Pháp đã biết và đến với Sài Gòn nhờ bộ phim Người Tình (La’man) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud. Bối cảnh Sài Gòn trong phim, được thực hiện tại bến Nhà Rồng, kho Bình Đông khu vực cầu chữ U trước đây và bến Mễ Cốc, chợ Bình Tây, Thảo Cầm Viên, xung quanh dinh Độc Lập.

Năm 1991, khi phim Đông Dương công chiếu ở Pháp, ngay lập tức, một làn sóng người Pháp đã đến Quảng Ninh để chiêm ngưỡng vịnh Hạ Long vốn hút hồn họ qua những thước phim đẹp. Thậm chí, có người đến đặt đúng phòng khách sạn nơi diễn viên Catherine Deneuve, nhân vật nữ chính trong phim đã ở, để tăng phần lãng mạn cho kỳ nghỉ của mình.

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đến nay, bộ phim Đông Dương vẫn góp phần làm tăng cao lượng du khách Nhật Bản đến tham quan vịnh Hạ Long. Phim Mùa hè chiều thẳng đứng với nhiều trường đoạn đẹp quay ở vịnh Hạ Long cũng góp phần thu hút du khách đến tham quan vịnh”.

Tương tự là câu chuyện với Hà Giang, bối cảnh thực hiện phim Chuyện của Pao là ngôi làng tại xã Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang, một xã nghèo, nhiều thiếu thốn nhưng lại có cảnh núi non hùng vĩ, những cánh đồng hoa cải vàng ruộm, bờ rào xếp bằng đá, nhà trình tường, lợp ngói âm dương thân thuộc và đồng bào người Mông chất phác, hồn nhiên.

Theo lời kể của đạo diễn Quang Hải, xem xong buổi chiếu ra mắt phim Chuyện của Pao ở TPHCM, đã có rất nhiều người đến hỏi anh về bối cảnh của phim và háo hức muốn được đến ngay thực địa để chiêm ngưỡng.

Đến năm 2010, ngôi làng tại Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang) đã được gắn biển “Bản du lịch văn hóa” và trở thành 1 địa danh rất thu hút khách du lịch, ngôi nhà mà đoàn làm phim lấy làm bối cảnh cũng được gắn biển ngôi nhà đã xuất hiện trong phim Chuyện của Pao.

Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã có trên 6.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, với doanh thu đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Không đơn giản là... cắt, dán

Tuy nhiên, để làm một bộ phim hay, vừa có nội dung và cốt truyện hấp dẫn lại vừa quảng bá được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, qua đó quảng bá cho ngành du lịch lại không đơn giản.

Theo đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, làm phim kết hợp với du lịch thực ra không khó, điều quan trọng là người đạo diễn phải biết kết hợp khéo léo để đưa hình ảnh đẹp về danh lam thắng cảnh vào phim, lấy hình ảnh đẹp làm bối cảnh, phông nền để kể câu chuyện hoặc dùng hình ảnh, âm thanh, màu sắc để diễn tả nội dung câu chuyện, tâm trạng, cảm xúc của diễn viên. Có như vậy, những hình ảnh đẹp mới thực sự đi sâu vào tâm trí, trái tim khán giả và để lại những ấn tượng khó phai.

Nếu quá chú trọng đến việc phô bày các hình ảnh, phong tục truyền thống mà lơ là về mặt nội dung, tiết tấu kịch bản, diễn xuất của diễn viên thì bộ phim sẽ chỉ đơn thuần là một bộ phim quảng bá hình ảnh du lịch. Điều này vô hình trung mang đến những thông điệp khiên cưỡng, thiếu tinh tế và gượng ép với người xem. Hiệu ứng mang lại chắc chắn sẽ không cao.

Bên cạnh đó, theo đạo diễn NSND Lương Đức vẫn có những địa phương, doanh nghiệp du lịch đặt hàng cụ thể với các nhà làm phim, song họ lại can thiệp quá sâu vào công việc của đạo diễn. Sự tham gia của những người “ngoại đạo” với những yêu cầu lồng ghép ý tưởng, quan điểm chính trị theo kiểu “chỉ đạo” không chỉ phá vỡ nội dung kịch bản, ý tưởng mà còn khiến mục tiêu ban đầu của bộ phim có thể bị chệch hướng.

“Với tôi, đó không phải là phim mà chỉ là cắt dán. Để làm một bộ phim “cắt dán” kiểu đó rất dễ vì chất liệu là các hình ảnh đẹp rất nhiều, nhưng hiệu ứng thu hút khán giả chắc chắn sẽ không cao”, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn khẳng định.

Một bộ phim quảng bá, quảng cáo cho du lịch thuần túy khác với một bộ phim truyện điện ảnh sử dụng chất liệu của du lịch. Chẳng hạn, người ta vẫn có thể làm những bộ phim tài liệu kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh như “Quảng Ninh 50 năm hội tụ và lan tỏa” nói về lịch sử, cuộc sống, cảnh quan vẻ đẹp thiên nhiên con người Quảng Ninh để phục vụ mục đích chính trị. Nhưng để làm 1 bộ phim để thực sự đưa hình ảnh vịnh Hạ Long đến với đông đảo khán giả thì phải cần đến những bộ phim truyện thực sự như Đông Dương hay Mùa hè chiều thẳng đứng.

Sau khi xem xong bộ phim truyện điện ảnh Và anh sẽ trở lại của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ, rất nhiều khán giả đã cho rằng việc bộ phim tham gia tranh giải Cánh diều tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 là nhầm chỗ, nên chuyển thẳng cuốn phim này sang bộ phận xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch là hợp lý hơn cả.

 Nội dung câu chuyện đều đều, đơn điệu, không mới, tiết tấu chậm chạp, không có nút thắt kịch tính đã khiến cho khán giả chỉ nhớ tới bộ phim nhờ những hình ảnh đẹp, nên thơ và mơ màng của làng bản Tây Bắc với những rừng mận xanh mướt và những bộ trang phục dân tộc sặc sỡ sắc màu. Qua đó có thể thấy, làm thế nào để đưa hình ảnh du lịch vào điện ảnh một cách tinh tế, khéo léo, thuyết phục để quảng bá hình ảnh cho đất nước, con người Việt Nam thông qua đó thu hút khách du lịch và ngược lại, những hình ảnh, bối cảnh đẹp đó làm bật lên, lộng lẫy, hùng vĩ hoặc góp phần làm sâu lắng, khiến bộ phim hấp dẫn ấn tượng hơn là việc không dễ.

 

 

Nguyệt Hà