In bài viết

Du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm: Đủ gam màu sáng-tối

(Chinhphu.vn) - Tại cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra ngày 8/7 tại Hà Nội, phát triển du lịch trong thời gian qua được quan tâm nhiều nhất.

08/07/2016 16:15
Khách du lịch quốc tế tại phố cổ Hội An, Quảng Nam.
Báo cáo tại lễ sơ kết, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay: 6 tháng qua, du lịch vừa có gam màu sáng lại vừa có màu tối. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt hơn 4,7 triệu lượt; có sự gia tăng về cơ sở vật chất ngành du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du  khách… Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, ngành du lịch những tháng qua cũng ghi nhận nhiều vụ tai nạn thảm khốc, trong đó chủ yếu là tai nạn giao thông, tác động không nhỏ đến tâm lý của du khách.

Ngoài ra du lịch cũng chịu tác động trước hiện tượng cá chết ở khu vực Bắc miền Trung. Đặc biệt còn có tình trạng thao túng hoạt động du lịch của người nước ngoài; hoạt động bất hợp pháp của hướng dẫn viên du lịch nước ngoài, đặc biệt là hướng dẫn viên Trung Quốc, ở nước ta. Những gam màu tối đó vừa là áp lực, vừa là động lực để ngành du lịch nỗ lực quản lý tốt hơn nữa...

Ông Tuấn cũng khẳng định rằng: Trung Quốc là thị trường khách rất lớn mà bất cứ nước nào muốn phát triển du lịch cũng cần phải quan tâm đến. Trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc không quan tâm nhưng đến nay cũng đã có sự quan tâm đúng mực đến thị trường này. Thái Lan năm 2015 đón 29 triệu lượt khách quốc tế thì có tới 8 triệu là khách Trung Quốc. Với du lịch Việt Nam, khách Trung Quốc thường chiếm 22-25% lượng khách quốc tế, trong 6 tháng đầu năm 2016 thị trường này tăng trưởng tới 47,5%, đạt hơn 1 triệu lượt trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong những tháng qua, khách Trung Quốc tăng trưởng đột ngột ở mức độ cao, khả năng cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam chưa đáp ứng được cả về nhân lực lẫn dịch vụ trước sự gia tăng này. Hơn nữa, khách Trung Quốc chỉ tập trung ở một số điểm chứ không phân tán trên diện rộng như một số thị trường khác, chủ yếu ở Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng. Khách Trung Quốc đến các điểm trên bằng máy bay thuê bao riêng (charter flight) chứ không phải bằng máy bay thương mại. Do đó, họ bán giá tour rất thấp, thậm chí giá là không đồng, sang Việt Nam thuê trọn khách sạn, nhà hàng và cơ sở dịch của các đơn vị nước ta rồi họ tự quản lý, điều hành tour, từ đưa khách, dẫn khách đến mua bán hàng hóa, thuyết minh, ăn uống… để lấy lại tiền. Họ áp dụng biện pháp này không chỉ với Việt Nam mà còn ở Thái Lan và một số nơi khác. Thêm vào đó đã có tình trạng tiếp tay của một số doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch Việt Nam trong những vụ việc này.

Trước thực trạng trên, Tổng cục Du lịch cũng đã có công văn gửi tới các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch trên toàn quốc yêu cầu tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch. Khi phát hiện vi phạm, các địa phương phải xử lý nghiêm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi có sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương cùng vào cuộc mới xử lý được.

Trao đổi bên lề cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Hiện nay khách quốc tế đến Việt Nam tuy có tăng trưởng nhưng còn ở mức thấp so với các nước bạn. Những người làm du lịch rất mong muốn thu hút nhiều khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Thiện cũng thừa nhận: “Cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú của nước ta còn hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là vào mùa cao điểm, các dịch vụ đều quá tải. Đây cũng là điều mà những người làm công tác quản lý ngành băn khoăn, trăn trở và tìm cách giải quyết, khắc phục, đưa hoạt động du lịch đi vào nền nếp hơn, bảo đảm được an ninh, an toàn cho du khách”.

Riêng với hiện tượng liên quan đến khách Trung Quốc thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhanh chóng xử lý với tinh thần kiên quyết bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên, ông Thiện cũng nhấn mạnh, việc bảo đảm an toàn trật tự an ninh du lịch ở các tuyến điểm là thẩm quyền quản lý của địa phương. Do đó, cần sự vào cuộc xử lý của lực lượng liên ngành trong đó có công an, lao động, công thương, nhất là sự vào cuộc nghiêm túc, nhanh chóng của chính quyền địa phương… mới có thể nhanh chóng xử lý kịp thời tình trạng lộn xộn tại các điểm du lịch thời gian qua.

Bộ trưởng khẳng định, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong quản lý, kinh doanh du lịch.

 Nguyệt Hà