In bài viết

Du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh, loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.

12/04/2024 18:49
Du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh để phát triển bền vững- Ảnh 1.

Diễn đàn "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" - Ảnh: VGP

Ngày 12/4, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2024 (VITM Hà Nội 2024), Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" với sự tham dự của lãnh đạo Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế; đông đảo các chuyên gia nghiên cứu về phát triển du lịch, kinh tế, văn hóa…; các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, để thúc đẩy phát triển Du lịch xanh, từng bước đưa Du lịch xanh vào cuộc sống, ngay từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào "Du lịch Việt Nam-Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa" và được các doanh nghiệp du lịch cả nước hưởng ứng. 

Tại Hội chợ VITM Hà Nội 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn chủ đề "Du lịch xanh" , hướng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo 4 nội dung: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp,...); phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn,...; vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch cả nước, thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ mội trường, phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả. 

Phát triển du lịch bền vững đi từ quy hoạch xanh

Góp ý kiến tại Diễn đàn, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam cho rằng, đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo quan điểm của ông Patrick Haverman, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào một số các vấn đề sau: Quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp và du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

Trong đó với quy hoạch xanh thì các quy hoạch quốc gia cần định hướng cho phát triển du lịch xanh, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ít tác động tới môi trường và thiên nhiên, quản lý chất thải rắn và nước thải hiệu quả, cùng nhiều vấn đề khác. Điều này đặc biệt quan trọng ở những địa điểm nhạy cảm về mặt sinh thái như các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia.

Đối với vấn đề quản lý điểm đến hiệu quả, theo ông Patrick Haverman đây là một quá trình cần có sự vào cuộc và dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, để cho tiếng nói và quan điểm của các thành phần quan trọng này được lắng nghe và phản ánh trong các giải pháp quản lý du lịch của mỗi địa phương.

Bằng cách thực hiện các biện pháp quản lý điểm đến hiệu quả, chúng ta có thể đưa ra các quy định quan trọng về hạn chế rác thải nhựa và giải quyết các vấn đề khác liên quan đến du lịch tại mỗi địa phương một cách toàn diện, để đạt được mục tiêu cuối cùng là tăng cường trải nghiệm tích cực cho du khách về mặt tổng thể. Hơn nữa, cách tiếp cận này cho phép chúng ta xác định và tận dụng các tài sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo của từng địa phương, thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch mang tính bản sắc cho từng vùng.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng xanh và bền vững

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn-Viện trưởng Viện phát triển du lịch, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 6 thách thức lớn du lịch thế giới phải đối mặt: Năng lượng và hiệu ứng nhà kính; tiêu dùng nước; quản trị rác và chất lượng nước; đa dạng sinh học; sự giảm thiểu của đa dạng sinh học và quản trị xây dựng và di sản văn hóa. Sáu thách thức này đòi hỏi du lịch toàn cầu phải phát triển theo hướng tăng trưởng xanh để hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Ở Việt Nam, việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch tự phát ở một số địa phương, gây ảnh hưởng tiêu cực tài nguyên và môi trường, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại; Gia tăng nhanh lượng khách du lịch vượt quá sức chứa của điểm đến.

Các doanh nghiệp du lịch vẫn chủ yếu sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, chưa sử dụng năng lượng thay thế, nhiên liệu sạch; nhiều cơ sở du lịch, đặc biệt là cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống chưa có biện pháp tích cực xử lý rác thải, nước thải, tái chế, tái sử dụng; rác thải vẫn trực tiếp thải loại ra môi trường tự nhiên; ý thức của một bộ phận khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng ở các khu, điểm du lịch chưa cao, còn tình trạng xả rác bừa bãi, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung...

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn cần hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Trong đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch, đảm bảo không phá vỡ, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, vì lợi ích trước mắt phá hủy tài nguyên, cảnh quan, môi trường.

Khai thác tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch theo nguyên tắc "tôn trọng tài nguyên, bảo vệ môi trường", "thân thiện với môi trường"; "không làm tổn hại tài nguyên, phá vỡ cảnh quan và làm biến tướng, mất đi giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản", "không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá"; thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch và nơi có tài nguyên du lịch trước khi cấp phép hoạt động.

Bên cạnh đó, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch vào kinh doanh du lịch; chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng...

Kiểm soát các hoạt động đầu tư, kinh doanh "núp bóng" dưới hình thức là các "dự án du lịch xanh" nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất. Có chế tài xử phạt nặng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gây tổn hại tài nguyên, di sản và môi trường, vi phạm pháp luật về du lịch và các luật, quy định của Nhà nước liên quan đến du lịch.

Diệp Anh