In bài viết

Du lịch Việt Nam: Để du khách đi rồi còn trở lại

(Chinhphu.vn) - Chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được khẳng định nhưng để đạt được cái đích ấy, ngành du lịch còn rất nhiều việc phải làm.

14/08/2016 14:18

Ảnh minh họa

Với nền văn hóa đậm đà bản sắc và những danh lam thắng cảnh đã được quốc tế công nhận, du lịch Việt Nam có đầy đủ yếu tố để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chỉ trong 7 tháng vừa rồi, dù bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều khó khăn nhưng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đạt tới 5,55 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 235.000 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhìn lại cả giai đoạn vừa qua (2011-2015), trung bình mỗi năm chúng ta đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế (chỉ tiêu là 7-7,5 triệu lượt); khách nội địa đạt 57 triệu (chỉ tiêu là 47-48 triệu lượt). Tổng thu là 15,40 tỷ USD (chỉ tiêu là 10-11 tỷ USD), đóng góp vào GDP hiện nay là 6,6% so với mục tiêu là 5,5-6%...

Kết quả trên phản ánh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ngành kinh tế dịch vụ đặc biệt này. Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về những giải pháp phát triển du lịch đồng thời còn có một Nghị quyết riêng (Nghị quyết 92/NQ-CP 2014) về phát triển du lịch trong tình hình mới.

Thực tiễn khẳng định du lịch có bước phát triển nhanh, đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, tạo nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch lao động nông thôn, thay đổi bộ mặt đô thị; tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế liên quan như dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, giao thông...

Bộ VHTT&DL đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch Việt Nam đóng góp 10-20% vào GDP; tổng thu từ khách du lịch từ 29-32,5 tỷ USD; thu hút 14-15 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 70-75 triệu khách nội địa.

Định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã rõ nhưng trong thực tế vẫn còn những câu chuyện không làm”vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”, đòi hỏi sự nhận thức về tồn tại, hạn chế của ngành du lịch phải chuyển thành hành động cụ thể.

Tại hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, ngày 9/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh  Việt Nam là đất nước giàu di sản văn hóa thế giới, người dân thân thiện, chân thành, đó là điều kiện quan trọng hấp dẫn du khách thế giới. Cùng với điều kiện một đất nước an toàn, bảo đảm an ninh, trật tự, địa phương nào cũng có thể làm du lịch được với quy mô khác nhau.

Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn yếu kém, bất cập, khiếm khuyết trong tổ chức, chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Dư địa phát triển du lịch còn lớn, có thể tăng cao nếu biết tổ chức một cách nghiêm túc, quyết tâm và có sự đồng lòng.

Đã có rất nhiều kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong việc xây dựng môi trường du lịch tại các điểm đến như Hội An, Đà Nẵng, Huế... Trong đó sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, ở các địa phương, các cấp, các ngành với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là nhân tố quyết định cho sự phát triển táo bạo hơn, mạnh mẽ hơn của du lịch.

Ngành du lịch cùng với các bộ ngành, địa phương, DN phải làm hết sức mình để du lịch Việt Nam phát triển ngày càng bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi du lịch cần khách. Khách đến càng đông và nhất là khách nước ngoài, họ đến và không chỉ đến một lần sẽ là niềm vui, đem lại lợi ích cho đất nước, cho ngành du lịch và người làm du lịch.

Mọi du khách đến Việt Nam luôn cần và phải được phục vụ chu đáo, cung cấp dịch vụ tốt nhất để khách hài lòng và khi ra về hẹn ngày trở lại.

Minh Đức