Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà |
Mức tăng trưởng ấn tượng
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2010-2015, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam tăng hơn 1,5 lần, đạt mức tăng trưởng trung bình 9%/năm. Năm 2015 có hơn 671.000 lượt khách du lịch Nhật Bản tới Việt Nam; trong 10 tháng đầu năm 2016 đã đạt gần 611.000 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ 2015.
Ở chiều ngược lại, lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản cũng có mức tăng kỷ lục. Giai đoạn 2006-2015 số lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản tăng 7,2 lần, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm, riêng giai đoạn 2010-2015 đạt mức tăng 4,2 lần, tốc độ tăng trung bình 35%/năm (từ 42.000 lượt lên 185.000 lượt). Còn trong 8 tháng đầu năm 2016 con số này đã đạt 189.000 lượt, tăng 28% so với cùng kỳ 2015.
Tại phiên họp Ủy ban Hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 7 (chiều 17/11) tại Hà Nội, ông Yasuto Kawarabayashi Phó Cục trưởng Cục Du lịch Nhật Bản cho biết cơ quan quản lý du lịch Nhật Bản rất vui mừng khi thấy số lượng khách tới từ Việt Nam tăng lên nhanh chóng, góp phần lớn trong việc tăng trưởng khách du lịch nói chung của Nhật Bản.
Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có nhiều khách tới Nhật Bản và là một trong những thị trường quan trọng của Nhật Bản. Chính vì vậy, Nhật Bản đã xúc tiến thành lập văn phòng đại diện về du lịch tại Hà Nội. Văn phòng sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc thu hút khách Việt Nam tới Nhật Bản và ngược lại.
Ông Yasuto Kawarabayashi tin rằng còn rất nhiều người Nhật Bản muốn tới giao lưu và khám phá Việt Nam. Việc số khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản ngày càng tăng thời gian qua là cơ sở để kỳ vọng du khách Việt Nam tới Nhật Bản tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tiếp tục triển khai 3 nội dung hợp tác trọng tâm
Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác du lịch hai nước, Tổng cục Du lịch Việt Nam và Cục Du lịch Nhật Bản tổ chức phiên họp Ủy ban Hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 7.
Phiên họp nhằm đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian qua và đề ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực thúc đẩy trao đổi khách du lịch, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật giữa hai bên.
Trước đó, trong phiên họp thứ 6, hai bên đã thống nhất các nội dung hợp tác trọng tâm gồm: Tăng cường trao đổi khách du lịch giữa hai nước; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách (trong đó tập trung tạo thuận lợi về thị thực nhập cảnh và tăng cường chuyến bay kết nối giữa hai nước); hỗ trợ kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam tiếp tục gia hạn đơn phương miễn visa cho công dân Nhật Bản đến 31/12/2019. Phía Nhật Bản cũng liên tục nới lỏng, đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh, thời hạn áp dụng tăng từ 3 lên 5 năm. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa áp dụng hộ chiếu điện tử nên phía bạn chưa miễn visa cho công dân Việt Nam.
Ở lĩnh vực hàng không, hai nước có 4 hãng hàng không đang khai thác, trong đó, Nhật Bản có 3 hãng (All Nippon Airways, Japan Airlines và Vanila Airlines) khai thác 5 đường bay từ Tokyo (Narita, Haneda) đến Hà Nội và TPHCM với tần suất đạt 42 chuyến/chiều/tuần. Phía Việt Nam có Vietnam Airlines khai thác 10 đường bay tới Nhật Bản với tổng tần suất 66 chuyến/chiều/tuần.
Theo nội dung phiên họp thứ 7 lần này, cơ quan du lịch hai nước cùng bàn thảo một số nội dung trọng tâm hợp tác, bao gồm: Hỗ trợ hoạt động của Văn phòng đại diện du lịch Nhật Bản (JINTO) tại Hà Nội và Văn phòng đại diện của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tại Tokyo; tiếp tục hỗ trợ hoạt động của các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch và địa phương hai nước.
Hai bên sẽ tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, chính sách du lịch, quản lý điểm đến, quản trị khách sạn, bảo vệ môi trường, phát triển sản phẩm và xúc tiến du lịch.
Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, phát triển loại hình khách du lịch cư trú tại nhà dân; tổ chức các sự kiện, lễ hội, hội chợ du lịch của cả hai bên.
Nguyệt Hà