In bài viết

Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

(Chinhphu.vn) – Bộ Tư pháp đang dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm 685 điều, sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự năm 2005.

19/06/2014 20:01
Ảnh mang tính chất minh họa

Bộ luật dân sự năm 2005 (Bộ luật dân sự) được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, thành tựu của Bộ luật dân sự năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.        

Sau 8 năm thi hành, Bộ luật dân sự đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động (quan hệ tư).

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng và đặc biệt là yêu cầu về cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ luật dân sự hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, trong Bộ luật dân sự hiện hành, quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản của người khác chưa được quy định đúng với vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường và trong việc phát huy giá trị kinh tế của các loại tài sản trong xã hội. Như vậy, Bộ luật dân sự hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và tin cậy để các chủ sở hữu và những người khác không phải là chủ sở hữu có thể mạnh dạn, yên tâm đưa tài sản của mình vào lưu thông kinh tế, do đó, nhiều tài sản có giá trị kinh tế nhưng không được sử dụng một cách hiệu quả, gây lãng phí cho xã hội.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ cơ bản của Bộ luật dân sự là tạo môi trường pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc hình thành và phát triển của các quan hệ thị trường. Trong khi đó, các quy định về giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng còn có nhiều hạn chế như chưa rõ ràng, chưa cụ thể, dẫn đến việc rất khó áp dụng trong thực tiễn. Bộ luật dân sự cũng chưa thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống luật tư.

Thêm vào đó, Bộ luật dân sự chưa thể hiện được vai trò là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ những người yếu thế trong quan hệ pháp luật dân sự; chưa có sự đồng bộ trong kết cấu và quy định về nội dung giữa các phần, chế định của Bộ luật…

Theo Bộ Tư pháp, những hạn chế, bất cập nêu trên của Bộ luật dân sự có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Bộ luật dân sự nói riêng, pháp luật dân sự nói chung; gây cản trở cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế; trong thực hiện, bảo vệ các quyền, nghĩa vụ dân sự của các cá nhân, tổ chức, do đó cần phải được khắc phục càng sớm càng tốt.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện

Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Bộ luật dân sự nhằm đưa Bộ luật này trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; góp phần ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của tổ chức, cá nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Theo Bộ Tư pháp, căn cứ vào thực trạng quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, mục tiêu và quan điểm trong xây dựng dự án Luật, phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự là cơ bản, toàn diện. Trên cơ sở phạm vi sửa đổi như vậy, dự thảo Luật có tổng số 685 điều, giữ nguyên 282 điều, sửa đổi 344 điều, bổ sung 117 điều, bãi bỏ 152 điều so với Bộ luật hiện hành.

Cụ thể, dự thảo giữ nguyên 34 điều, sửa đổi 126 điều, bổ sung 21 điều, bãi bỏ 19 điều về những quy định chung của Bộ luật; giữ nguyên 41 điều, sửa đổi 82 điều, bổ sung 62 điều, bãi bỏ 16 điều về tài sản và quyền sở hữu; giữ nguyên 167 điều, sửa đổi 106 điều, bổ sung 33 điều, bãi bỏ 40 điều về nghĩa vụ và hợp đồng; giữ nguyên 40 điều, sửa đổi 16 điều, bãi bỏ 1 điều về thừa kế; sửa đổi 14 điều, bổ sung 1 điều, bãi bỏ 6 điều về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; bãi bỏ 70 điều về chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn