Ảnh minh họa |
Bộ Công Thương cho biết, theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004, có hai cơ quan cạnh tranh độc lập với nhau bao gồm Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh. Cơ quan quản lý cạnh tranh do Chính phủ quyết định thành lập và quy định tổ chức, bộ máy và có trách nhiệm điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh. Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan do Chính phủ thành lập có nhiệm vụ tổ chức xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan tới hành vi hạn chế cạnh tranh.
Tuy nhiên trong thời gian qua, mô hình hai cơ quan nói trên đã bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn: kéo dài quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, nguồn lực bị phân tán khiến việc giải quyết vụ việc cạnh tranh chưa được tập trung, kết quả giải quyết vụ việc luôn đi sau diễn biến của thị trường và chưa thể hiện vai trò can thiệp kịp thời của Nhà nước để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường. Bên cạnh đó, việc duy trì cơ chế kiêm nhiệm trong hoạt động của thành viên Hội đồng Cạnh tranh dẫn đến sự thiếu tập trung trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh…
Do đó, để khắc phục bất cập này, Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ V đã quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia với vai trò là cơ quan đơn nhất tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh và trực tiếp thực hiện việc điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh trên cơ sở hợp nhất, tổ chức lại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội đồng Cạnh tranh (gồm Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh).
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Về chức năng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Nhằm kế thừa, đảm bảo ổn định việc điều hành quản lý trong cả 03 lĩnh vực về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đồng thời đảm bảo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ tiếp tục giao Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên cả 03 lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Về nhiệm vụ, quyền hạn: Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc để Bộ trưởng Bộ Công Thương trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; thụ lý, tổ chức điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và quy định của pháp luật khác có liên quan; kiểm soát tập trung kinh tế; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp và xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp...
Về cơ cấu tổ chức: Trên cơ sở 03 mảng việc quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định quy định mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tương đương tổng Cục với các đơn vị trực thuộc gồm: 02 Cục, 04 Vụ và các Văn phòng, cụ thể:
Khối cơ quan hành chính gồm: (1) Cục Điều tra và giám sát cạnh tranh; (2) Cục Bảo vệ người tiêu dùng; (3) Vụ Thư ký, xử lý vụ việc cạnh tranh; (4) Vụ Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; (5) Vụ Hợp tác quốc tế; (6) Vụ Thanh tra, Pháp chế; (7) Văn phòng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; (8) Văn phòng quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
LP