Ảnh minh họa |
Hồi cuối năm ngoái, Quốc hội đã biểu quyết bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện.
Thực hiện quy định trên, mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô để lấy ý kiến.
Nhiều điểm bất hợp lý?
Tác giả Phan Minh Châu đặt vấn đề như trên về dự thảo trong bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Tác giả này đặt ra hàng loạt câu hỏi, chẳng hạn, để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường với ô tô lưu hành ở Việt Nam, thì điều quan trọng và cần thiết là phải kiểm định, khám xe (định kỳ) một cách nghiêm túc rồi mới cấp phép lưu hành cho ô tô (sau sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu), chứ không phải là bản thân cái giấy phép và điều kiện nào để cấp cái giấy phép đó cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô. Nói cách khác, bản thân cái giấy phép sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô không đảm bảo rằng ô tô lưu hành ở Việt Nam sẽ an toàn và bảo vệ môi trường.
Điều 4 dự thảo Nghị định quy định về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng ô tô quy định rằng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho người tiêu dùng giấy (sổ) bảo hành ô tô có thời hạn tối thiểu ba năm hoặc 100.000 ki lô mét. Theo tác giả Phan Minh Châu, quy định này vừa thừa vừa thiếu.
Thừa vì các hãng ô tô có chế độ bảo hành không nhất thiết phải giống nhau (ở mọi quốc gia, mọi địa phương). Thậm chí, chế độ bảo hành của một hãng có thể còn thay đổi tùy thuộc vào những yếu tố, như có khuyến mãi hay không. Áp đặt thời hạn tối thiểu ba năm là sự trói buộc không cần thiết, phi thị trường (hãy cứ để hãng ô tô tự đề ra thời hạn bảo hành ở mức hợp lý, phù hợp với khả năng cạnh tranh và chiến lược phát triển của họ).
Thiếu vì nếu đã quy định đến mức cụ thể như vậy thì vẫn cần phải quy định thêm các chi tiết khác trong giấy bảo hành này cho đồng bộ, như loại phụ tùng, vật liệu, dịch vụ nào được bảo hành miễn phí, điều kiện được miễn phí...
Điều 5 quy định doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô phải chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô bị lỗi kỹ thuật. Quy định này cần nêu rõ hơn những trường hợp nào phải triệu hồi, như lỗi kỹ thuật nghiêm trọng, gây mất an toàn khi sử dụng (và chỉ có thể khắc phục được tại cơ sở của nhà sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu). Còn không, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu có thể đưa ra những lựa chọn khác nhau cho khách hàng, ví dụ bồi thường bằng tiền có chế độ ưu đãi khác để khách tự xử lý.
Điều 9 quy định điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực, gồm phải có bộ phận quản lý hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô. Quy định này là thừa vì đương nhiên là để sản xuất, lắp ráp ô tô thì, như một điều sơ đẳng, doanh nghiệp phải tổ chức và có những người quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô.
Điều 9 còn quy định người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô phải tốt nghiệp đại học trở lên, thuộc một trong các chuyên ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô năm năm trở lên. Quy định này trói buộc và khắt khe một cách không cần thiết.
“Cái cần nhất ở người quản lý, kể cả ở trong cái gọi là “bộ phận quản lý hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô” là khả năng tổ chức, điều hành công việc chứ không phải là khả năng biết rành rẽ về kỹ thuật, ví dụ, con ốc vít này chịu được lực kéo bao nhiêu thì đứt, gãy như một kỹ sư cơ khí. Trên hết, tự doanh nghiệp biết cần phải bố trí người quản lý là ai, thế nào cho phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất mà không cần phải có sự “vẽ đường” của nghị định này”, tác giả bày tỏ quan điểm.
Boeing cũng sẽ bó tay?
Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô ủng hộ các quy định trong dự thảo, thậm chí đề nghị cần có thêm nhiều điều kiện ràng buộc khác để “bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng”, thì nhiều ý kiến khác lại cho rằng dự thảo này đang thu hẹp hơn các quyền kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng.
Một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nguyên chiếc không chính hãng cho biết thông thường, các đại lý bán xe nhập khẩu đã được ủy quyền làm dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng. Do đó, doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu không cần thiết phải sở hữu hoặc thuê một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.
"Chi phí đầu tư một cửa hàng trưng bày xe cộng với sở hữu một cơ sở bảo hành bảo dưỡng khoảng 20-50 tỉ đồng. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp nhập xe không chính hãng không đủ tiềm lực để làm và có cố làm thì cũng đối mặt với rủi ro" - doanh nghiệp này nhận định.
Một doanh nghiệp nhập khẩu khác nhận định việc quy định về bảo hành, bảo dưỡng là rất cần thiết nhưng quy định hiện hành đã cho phép các doanh nghiệp liên kết với nhau để đầu tư, cho thuê lại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Như vậy, việc quy định từng doanh nghiệp nhập xe phải sở hữu hoặc thuê riêng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng là lãng phí, không cần thiết. Nhất là các doanh nghiệp này thường có doanh số không lớn, nhiều lắm chỉ đạt vài trăm xe mỗi năm thì chắc chắn không hiệu quả khi đầu tư.
Bên cạnh đó, quy định về thực hiện trách nhiệm triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi khi có thông báo từ nhà sản xuất được cho là nhằm bảo đảm quyền lợi cao nhất cho khách hàng nhưng lại "làm khó" doanh nghiệp. "Doanh nghiệp nhập khẩu qua trung gian thường không có mối liên hệ với chính hãng nên việc thông báo với Bộ Công Thương và khắc phục lỗi theo hướng dẫn của nhà sản xuất là khó thực hiện được" - đại diện doanh nghiệp nhập khẩu này phân tích.
Cũng theo dự thảo nghị định, các doanh nghiệp sản xuất ô tô phải đáp ứng các điều kiện về nhà xưởng, dây chuyền, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc quy định các cơ sở phải có đầy đủ các thiết bị, nghĩa là các doanh nghiệp phải tự làm tất cả từ A tới Z là không hợp lý. Bởi xu thế của thế giới hiện nay là sản xuất theo chuỗi giá trị, để sản xuất ra một sản phẩm phức tạp và tối tân vào bậc nhất như máy bay, người ta phải có hàng trăm cơ sở sản xuất tại vài chục quốc gia.
“Nếu yêu cầu như vậy thì Boeing cũng bó tay không đáp ứng được điều kiện kinh doanh của Việt Nam”, đại diện cộng đồng doanh nghiệp nêu ý kiến tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa diễn ra mới đây.
Thành Đạt