Theo dự thảo, SCIC ty hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Vốn điều lệ của SCIC là 40.000 tỷ đồng và được bổ sung trong quá trình hoạt động.
Ngành, nghề kinh doanh của SCIC là đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước. Trong đó, bao gồm các hoạt động sau: Tiếp nhận và thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn do Tổng Công ty tiếp nhận và trực tiếp đầu tư; tiếp tục thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định hiện hành; đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế; đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước nắm giữ quyền chi phối; đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ…
Cơ cấu tổ chức quản lý SCIC
Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của SCIC gồm có: Hội đồng thành viên; Kiểm soát viên; Tổng Giám đốc và bộ máy giúp việc Tổng Giám đốc; các đơn vị hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, văn phòng đại diện. Trong đó, Hội đồng thành viên SCIC có 7 thành viên, có nhiệm kỳ 5 năm.
Tổng Giám đốc là người điều hành hoạt động hằng ngày của SCIC theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
Tổng Giám đốc do Hội đồng thành viên tuyển chọn, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định. Nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc không quá 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại.
Theo dự thảo, người lao động trong SCIC tham gia quản lý SCIC thông qua Hội nghị toàn thể hoặc Hội nghị đại biểu người lao động SCIC; tổ chức công đoàn SCIC; Ban Thanh tra nhân dân; thực hiện khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp Nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước. SCIC là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc thị trường. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2006, SCIC quản lý danh mục đầu tư gồm các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như: Dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, vận tải, hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin… |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Thanh Hoài