In bài viết

Dự thảo Luật căn cước công dân (sửa đổi)

(Chinhphu.vn) - Bộ Công an đang dự thảo Luật căn cước công dân (sửa đổi) với mục đích cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (như lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động...) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

16/01/2023 14:48
Dự thảo Luật căn cước công dân (sửa đổi) - Ảnh 1.

Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp quản lý căn cước công dân được xây dựng, hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động, quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, bỏ sổ hộ khẩu giấy, xác lập danh tính điện tử của công dân thông qua mã số định danh cá nhân, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, người dân có thể thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính ở bất cư nơi nào, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, góp phần kiến tạo Chính phủ liêm chính, hành động, phát triển phục vụ nhân dân, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số trong tương lai không xa.

Bộ Công an đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống; đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia; tiến hành cấp được hơn 71 triệu thẻ Căn cước công dân có gắn chíp (bao gồm cả trường hợp cấp lần đầu và cấp đổi, cấp lại) cho khoảng 69 triệu công dân.

Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động như: Kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ để xác thực số định danh cá nhân, Căn cước công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân; kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực thông tin công dân; kết nối với Bộ Tư pháp để thực hiện cấp, hủy số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh; kết nối với Bộ Y tế để phục vụ rà soát thông tin tiêm chủng của công dân, phòng chống dịch COVID-19; kết nối, xác thực với Tập đoàn điện lực Việt Nam phục vụ nghiệp vụ ngành điện; kết nối, xác thực với Ban cơ yếu Chính phủ phục vụ rà soát thông tin cán bộ Cơ yếu; kết nối với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính để xác thực thông tin công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân phục vụ làm sạch dữ liệu ngành thuế, nghiệp vụ ngành thuế; thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực thông tin công dân tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân thông qua trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung.

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 07 chương, 45 Điều, cụ thể như sau: Chương I Quy định chung; Chương II Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; Chương III Thẻ căn cước công dân; Chương IV Tài khoản định danh điện tử; Chương V Bảo đảm điều kiện hoạt động quản lý căn cước công dân, cơ sở dữu liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; Chương VI Trách nhiệm quản lý căn cước công dân, cơ sở dữu liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; Chương VII Điều khoản thi hành.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tư Mộ