In bài viết

Dự thảo Luật Căn cước công dân và phát triển Chính phủ điện tử

(Chinhphu.vn) - Với những nội dung liên quan trực tiếp người dân và nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, Dự án Luật Căn cước công dân dù đang trong tiến trình lấy ý kiến nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

24/02/2014 17:59
Mẫu thẻ căn cước điện tử tại Bỉ.
Để dự án luật này thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng và việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tác giả bài báo xin mạnh dạn đề xuất một số nội dung mà Luật cần quan tâm đặc biệt gắn với quy trình các dịch vụ công liên quan nhằm tạo thuận lợi cho người dân và triển khai dịch vụ trực tuyến.

Căn cước công dân (Identity hay ID) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định một người cụ thể nên rất cần thiết, phục vụ quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, quản lý dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của người dân.

Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về căn cước công dân như Quyết định số 143/CP ngày 9/8/1976 của Hội đồng Chính phủ về việc cấp giấy căn cước cho nhân dân trong cả nước; Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 về Chứng minh nhân dân (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007; Nghị định số 106/2013/NĐ-CP ngày 17/9/2013).

Mặc dù, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, nhưng cho đến nay, các quy định này còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công, không được kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc cấp, quản lý, sử dụng Chứng minh nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và thực hiện Chính phủ điện tử.

Do vậy, để khắc phục các bất cập trong công tác quản lý dân cư, ngày 18/8/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2010/NĐ-CP quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ngày 8/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

Một trong những mục tiêu của đề án là: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Luật Căn cước công dân để tạo cơ sở pháp lý thực hiện các mục tiêu này.

Theo đó, Bộ Công an được giao chủ  trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức việc soạn thảo Luật Căn cước công dân, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về cấp, quản lý và sử dụng số định danh cá nhân, triển khai cấp số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam, khắc phục tình trạng một công dân được cấp và sử dụng nhiều loại số như hiện nay.

Dự thảo Luật Căn cước công dân được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an và trang Dự thảo online của Quốc hội.

Ngày 25/1, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý với những nội dung cơ bản của dự án Luật Căn cước công dân; trên cơ sở đó đơn vị chủ trì đang tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua trong năm 2014.

Tại Việt Nam, khái niệm Chính phủ điện tử không được quy định tại các văn bản pháp quy ngoại trừ trong hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại công văn số 270/BTTTT-ƯDCNTT ngày 6/2/2012: “Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan Chính phủ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”.

Còn Ủy ban châu Âu định nghĩa: Chính phủ điện tử sử dụng các công cụ và hệ thống kỹ thuật số để cung cấp dịch vụ tốt hơn tới người dân, doanh nghiệp. Chính phủ điện tử không đơn giản chỉ bao gồm công cụ, mà còn bao gồm việc xem xét lại các tổ chức, quy trình và thay đổi hành vi để dịch vụ công được cung cấp hiệu quả.

Từ góc độ xây dựng Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện, các quy định pháp lý nói chung và Luật Căn cước công dân nói riêng cần phải đảm bảo, hỗ trợ các yêu cầu chính như sau:

- Thể chế hóa “khóa” (key) chung duy nhất. Khóa chung là dữ liệu duy nhất xác định một cá nhân, hay một phương tiện giao thông, bất động sản…;

- Tránh trùng lặp, dư thừa dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia;

- Xem xét quy trình thủ tục hành chính đơn giản, giảm giấy tờ và cho phép dữ liệu điện tử, quy trình có giá trị tương đương hoặc không quy định cứng việc cung cấp tài liệu giấy tờ gây khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ trực tuyến;

- Sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung tại các cơ quan Nhà nước trong toàn quốc khi có yêu cầu chia sẻ.

Căn cứ vào các yêu cầu cải cách thể chế và xây dựng Chính phủ điện tử nêu trên, tác giả xin đề xuất một số điểm sau với Dự thảo Luật Căn cước công dân mà cơ quan soạn thảo cần quan tâm, cụ thể như sau:

1. Về thẻ căn cước điện tử (eID): Nghiên cứu một số nước phát triển điện tử, sự tham gia của người dân với dịch vụ công trực tuyến liên quan trực tiếp tới thẻ căn cước điện tử. Do vậy, trong tương lai gần, cần thiết xem xét việc cấp thẻ căn cước điện tử bao gồm chữ ký số để tạo thuận lợi cho việc xác thực điện tử và cung cấp giao dịch trên môi trường mạng an toàn, bảo mật.

2. Về vấn đề xác định “khóa” chung cho công dân và tránh trùng lặp dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia: Dự thảo Luật đề nghị số chứng minh nhân dân như là một số định danh duy nhất cho công dân từ 14 tuổi trở lên (khi được cấp CMND). Tuy nhiên, số CMND có thể là gây dư thừa thông tin cá nhân, khi mỗi công dân đã có số định danh duy nhất ngay từ khi mới sinh (theo dự thảo Luật Hộ tịch). Đồng thời cần xem xét các dữ liệu mà hai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân dự kiến thu thập để tránh trùng lắp.

3. Về quy trình thủ tục nhằm xây dựng dịch vụ công trực tuyến liên quan:

- Về quy định tại Điều 21 về thủ tục cấp Chứng minh nhân dân: Cần xem xét bỏ Quy định người đến làm thủ tục cấp CMND cần xuất trình sổ hộ khẩu. Đề xuất bỏ quy định này (nếu có thể) để tạo thuận lợi cho người dân vì cơ quan công an cũng chính là đơn vị quản lý Sổ hộ khẩu.

- Nên quy định linh hoạt các hình thức khai tờ khai, cụ thể cho phép khai tờ khai điện tử theo mẫu.

- Bổ sung quy định cho phép nộp file ảnh tới cơ quan công an theo quy định tại điều 21.

- Về quy định tại Điều 22 về thủ tục cấp, đổi CMND: Người dân ngoài việc nộp đơn còn cần thực hiện các thủ tục tại Điều 21. Theo kinh nghiệm của một số nước, đề xuất tiếp cận theo hướng phục vụ người dân bằng cách nếu người dân có thể xác minh nhân thân (ví dụ bằng máy quét vân tay tại cơ quan công an) là có thể được cấp lại CMND mới ngay. Nếu trong khoảng thời gian nào đó mà mất nhiều lần thì phí phải nộp sẽ tăng lên.

- Về quy định tại Điều 24 về nơi làm thủ tục cấp CMND: Xem xét lại việc cấp CMND duy nhất tại huyện nơi đăng ký thường trú. Khi xây dựng một cơ sở dữ liệu căn cước tập trung, nếu người dân có thể xác minh nhân thân tại công an huyện khác bằng các biện pháp khác (nơi họ đang sinh sống); nên cho phép CMND được cấp lại hoặc đổi tại địa phương đó.

Dự án Luật Căn cước công dân rất cần thiết trong sứ mệnh chung về cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính công liên quan tới dự án Luật; cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên quan nói riêng và Chính phủ nói chung; những đề xuất nêu trên hy vọng đóng góp phần nào đó tới việc cải cách thể chế tạo điều kiện phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Nguyễn Đình Lợi