In bài viết

Dự thảo Luật đo đạc và bản đồ

(Chinhphu.vn) – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật đo đạc và bản đồ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

21/06/2016 17:02

Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong suốt quá trình phát triển, ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, cung cấp một hệ thống các tài liệu, số liệu đo đạc và bản đồ cơ bản quốc gia có giá trị như hệ quy chiếu, hệ toạ độ và độ cao quốc gia, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia phủ trùm cả nước hoặc vùng lãnh thổ trên cả đất liền và đáy biển, hệ thống bản đồ địa chính chính quy phục vụ quản lý đất đai… Hệ thống tài liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản còn làm nền tảng để phát triển các sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên dụng đáp ứng trực tiếp nhiệm vụ quản lý của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ dân trí, tiến bộ xã hội và nhiều mục tiêu cộng đồng khác.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, thực tiễn công tác quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế.

Cụ thể là chưa hạn chế được triệt để tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí. Cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng, quản lý kế hoạch, dự án liên quan tới đo đạc và bản đồ chưa được thực thi. Trên cùng một khu vực, có thể có nhiều đơn vị tiến hành khảo sát, đo đạc nhiều lần; sản phẩm cuối cùng không được giao nộp để quản lý thống nhất; do đó khó thực hiện được mục tiêu chia sẻ, dùng chung thông tin, dữ liệu nên chưa hạn chế được triệt để tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí.

Bên cạnh đó, chính sách phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp: việc phân cấp trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ cơ bản cho địa phương còn mang nặng tính bao cấp. Theo chính sách quản lý hiện hành, toàn bộ các nội dung nhiệm vụ đo đạc và bản đồ cơ bản (trừ bản đồ hành chính cấp huyện và bản đồ địa giới hành chính) thuộc trách nhiệm tổ chức triển khai của cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ Trung ương. Từ đó thường xảy ra tình trạng một số sản phẩm đo đạc và bản đồ các địa phương cần có để phục vụ cho quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nhưng trung ương không cung cấp kịp thời, trong khi phần lớn các địa phương hoàn toàn có khả năng đáp ứng được về năng lực quản lý cũng như nguồn vốn đầu tư để tổ chức triển khai. Chính sách quản lý tập trung, bao cấp như hiện nay đã không phát huy được tiềm năng, nguồn lực, tính chủ động của địa phương trong công tác quản lý và triển khai nhiệm vụ đo đạc và bản đồ.

Chính sách quản lý và bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc còn chưa phù hợp, dẫn đến lãng phí tài sản quốc gia. Chính sách quản lý hoạt động đo đạc bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ, đồng bộ, một số dạng công tác đo đạc bản đồ chuyên ngành có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội chưa có chính sách quản lý, điển hình như hoạt động thành lập bản đồ công trình ngầm gần như chưa được triển khai, các quy định của pháp luật đo đạc và bản đồ về bản đồ công trình ngầm thiếu nhất quán và không cụ thể. Chính sách quản lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng chung và chia sẻ thông tin; chính sách quản lý năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, chính sách quản lý xuất bản phẩm bản đồ còn chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ, thả nổi cho thị trường: với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm đo đạc và bản đồ dân dụng được phát triển trên nền dữ liệu thông tin địa lý như bản đồ dẫn đường điện tử, bản đồ mạng. Hiện có nhiều loại bản đồ được đăng tải trên internet hoặc xuất bản bán ra thị trường song Nhà nước chưa xây dựng được chính sách quản lý hữu hiệu đối với dòng sản phẩm này, do đó chất lượng kỹ thuật, tính chính xác, tính trung thực và tính đầy đủ về thông tin, đặc biệt đối với các ấn phẩm mang tính nhạy cảm, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia chưa có sự kiểm soát của Nhà nước. Việc thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vẫn diễn ra trên thực tế và ngày càng phát triển, trong khi Nhà nước chưa có chính sách để quản lý….

Một trong những nguyên nhân chính của các tồn tại nêu trên là do các hoạt động đo đạc bản đồ chuyên ngành được thực hiện theo quy định của các luật chuyên ngành, chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động đo đạc và bản đồ. Trong khi đó, các hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản (đây là hoạt động làm cơ sở, nền tảng cho các hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành) mới chỉ được điều chỉnh tại văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Mặt khác, nhiều chính sách về đo đạc và bản đồ hiện nay chưa  thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt là yêu cầu về việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, trong đó cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ là cốt lõi.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đo đạc và bản đồ, việc sửa đổi và nâng tầm pháp lý của những chính sách quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ hiện hành, đồng thời bổ sung các quy định còn thiếu để xây dựng và ban hành Luật đo đạc và bản đồ là rất cần thiết và là yêu cầu thực tiễn khách quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Luật đo đạc và bản đồ gồm 10 chương, 66 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ quy định cụ thể về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn